Ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện và quản lý các phương án vận chuyển, tiêu thụ đá thải, cám đá sau sàng tuyển của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và phương hướng tăng cường quản lý trong thời gian tới.
Qua nghe báo cáo, ý kiến phát biểu của các sở, ngành, địa phương, các đại biểu dự họp, ông Nghiêm Xuân Cường cho biết sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh và các chỉ đạo có liên quan, các sở, ban, ngành, địa phương, TKV đã chú trọng công tác quản lý đối với hoạt động tiêu thụ, vận chuyển cám đá độ tro cao, đá thải sau sàng tuyển (nguồn Nhà máy tuyển than Cửa Ông) của TKV, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
Tuy nhiên qua báo cáo cho thấy trong công tác quản lý đối với hoạt động nêu trên có mặt chưa thực sự chặt chẽ theo yêu cầu, cần quan tâm nắm bắt, đánh giá, tăng cường quản lý.
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường yêu cầu các cơ quan đơn vị trong quá trình xem xét, giải quyết đề nghị của TKV và các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ đá thải sau sàng tuyển, cám đá độ tro cao phải đảm bảo yêu cầu thận trọng, chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường kiểm tra giám sát, có cơ chế quản lý như đối với than.
"Việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho TKV và doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ đá thải sau sàng tuyển, cám đá độ tro cao là chủ trương đã được thống nhất chỉ đạo, song phải gắn với yêu cầu cao về quản lý; chỉ thực hiện khi đảm bảo các biện pháp quản lý có hiệu quả, tránh vi phạm, 'lợi ích nhóm', khiếu kiện hoặc ý kiến trái chiều", ông Cường nhấn mạnh.
Đối với phương án vận chuyển, tỉnh yêu cầu nơi đi nơi đến minh bạch, phù hợp với mục tiêu trước hết là phục vụ nhu cầu sản xuất cấp bách của doanh nghiệp. Phải nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu của tỉnh, nhất là đúng lộ trình, đúng mục đích phục vụ sản xuất, không nhằm mục đích mua đi bán lại để kinh doanh; nếu vi phạm sẽ chấm dứt chủ trương phương án cũng như chấm dứt hợp đồng với bên bán.
Ông Cường cũng nêu rõ, quá trình thực hiện phương án được chấp thuận, phải đảm bảo đúng quy định về lưu thông hàng hóa (đúng khối lượng, phẩm cấp, hồ sơ); đúng quy định về giao thông vận tải (luồng tuyến, cảng bến được cấp phép, phê duyệt; đúng tải trọng, kích thước, điều kiện lưu thông của phương tiện và nhân viên, thuyền viên...); đúng quy định về bảo vệ môi trường; đúng quy định về tài chính, thuế, không để xảy ra "quay vòng" hóa đơn chứng từ để hợp thức hóa cho than, đá thải, cám đá, khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.