Bắt đầu từ chiều ngày mùng 2 tết, thời tiết tại Quảng Bình mới thực sự chuyển mùa rõ rệt. Gió mùa lạnh và mưa kéo dài khiến nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ. Tính cả năm 2019, thì đây là đợt rét lạnh đầu tiên nên nhiều người không muốn ra đường. Chính vì vậy, lượng người đi thăm bà con ngày tết giảm hẳn.
Mặt hàng rau xanh, củ quả… giá tăng hơn gấp đôi ngày thường. |
Từ sáng ngày mùng 3 tết, các chợ truyền thống đã nhóm họp trở lại và nhiều chợ tạm được mở ra. Ngoài các mặt hàng hoa quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm thì các mặt hàng được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống (cá, thịt…), các loại rau củ phục vụ nhu cầu tiêu dùng đầu năm của người dân.
So với các ngày cận tết (từ 28 - 30 Tết), đến ngày mùng 3, giá các mặt hàng rau củ tại chợ đã tăng giá mạnh hơn nhiều.
Bà Ngô Thị Đờn (xã Gia Ninh - huyện Quảng Ninh) đã đi chợ buổi đầu năm. Bà tranh thủ nhổ cải xanh trong vườn được hơn 20 bó mang về chợ bán đầu năm. Bà Đờn bảo: “Bình thường thì rau cải bán chỉ được 2 ngàn/bó thôi. Nhưng mấy ngày tết, không ai bán nên giá tăng lên đến 5 ngàn/bó. Giá tăng hơn gấp đôi mà không có người bán. Chỉ thấy toàn người đi mua thôi”.
Có lẽ qua 3 ngày tết, sử dụng nhiều thịt, cá nên nhu cầu rau xanh tăng lên. Tuy nhiên, do thời tiết giá lạnh nên bà con ngại ra vườn thu hoạch. Bà Phạm Thị Niềm có mấy luống cải, củ cải trắng, rau xà lách sạch, xanh um. Sáng ngày mùng 4, bà đội rét ra vườn nhổ mấy nắm để về xào, nấu canh cho mâm cơm tiễn ông bà.
“Trời lạnh quá nên cũng ngại ra nhổ rau, bó lại rồi mang ra chợ bán. Thôi thì để vậy ăn dần. Bà con trong xóm ai cần mua thì tự đến nhổ. Mua bao nhiêu, nhổ lấy bấy nhiêu”- bà Niềm nói.
Rau xanh các nhà vườn vẫn còn nhiều chứ không hiếm hàng. |
Tại ngã ba Bắc Lý (TP Đồng Hới), hình thành cái chợ tạm từ sáng mùng 2 tết. Chợ tạm chỉ rặt bán toàn rau, dưa và vài hàng cá. Chị Nguyễn Thị Vân mang làn ra chợ chọn mua mấy bó rau lang, rau tầng ơ, rau cải bẹ… Chị bảo trời lạnh nên các con muốn có được nồi lẩu nhiều rau ăn cho đỡ ngán.
“Cá thịt thì có tăng giá nhẹ. Nhưng các loại rau đều tăng mạnh. Tôi phải mua gần 300 ngàn đòng tiền rau xanh mới đủ cho nồi lẩu cả nhà 5 người ăn. Trong khi đó chỉ mua hơn trăm bạc tiền cá trắm”.
Do trời giá lạnh nên bà con ngại ra vườn thu hoạch rau xanh. |
Thêm lý do các siêu thị chưa mở cửa bán hàng nên các loại rau củ như su hào, cà rốt, cà chua, rau gia vị, bắp cải, súp lơ… cũng khan hàng so với nhu cầu. Bà Mai Thị Vân (ở Bắc Lý), vừa dừng xe máy chở hàng rau, củ thì nhiều người đã vây lấy rồi chia nhau mỗi người vài chục bó rau, mớ đậu… để bày ra bán lẻ cho khách hàng kiếm chút lộc đầu năm.
Bà Vân cho hay, phải chạy lên vùng Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), Hồng Thủy, Cam Thủy (huyện Lệ Thủy) xa chừng 30-40 cây số để mua rau tại các nhà vườn mang về Đồng Hới nhập cho các hàng bán lẻ. “Trời rét đậm quá nên các gia đình cũng ngại nhổ rau bán. Nguồn rau tại các nhà vườn còn nhiều chứ không ít đâu. Mỗi ngày, tôi làm hai chuyến cũng kiếm được triệu bạc. Vất vả chút nhưng cũng có lộc đầu năm”- bà Vân bộc bạch như vậy.
Tại huyện miền núi Minh Hóa, trời trở lạnh và có mưa lớn từ chiều ngày mồng 2 tết. Sáng ngày mùng 4, mưa vẫn nặng hạt và cái lạnh càng xuống thấp hơn. Một số trò chơi dân gian, văn hoá văn nghệ đầu xuân cũng đã được UBND huyện cho tạm dừng.
Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Theo chương trình mừng xuân, huyện sẽ tổ chức một số chương trình văn hóa, văn nghệ… Tuy nhiên, do mưa và giá lạnh nên phải tạm dừng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân”.
Theo dự báo, vào ngày mai (mùng 5 tết Canh Tý), Quảng Bình vẫn tiếp tục có mưa và trời vẫn còn rét đậm.