| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi xác xơ sau bão số 9

Thứ Tư 28/10/2020 , 20:39 (GMT+7)

Cơn bão số 9 giày xéo miền đất nghèo Quảng Ngãi xơ xác, hoang tàn. Bão đã ra đi, những những mất mát của những người dân nghèo vẫn còn đó.

Chiều 27/10, công tác chuẩn bị ứng phó với bão của người dân Quảng Ngãi cơ bản đã hoàn tất. Thời gian tiếp theo họ chỉ còn biết chờ đợi và ai cũng cầu mong sức mạnh cơn bão giảm đi, dù có vào cũng giảm bớt thiệt hại. Với người dân nơi đây, chưa bao giờ có cảm giác lo lắng như lúc này.

Đầu giờ tối, trời bắt đầu nổi gió nhẹ xen lẫn những đợt mưa nặng hạt. Liên tục theo dõi những tin tức về bão số 9 trên các phương tiện truyền thông, nhưng điều họ mong muốn vẫn không được thỏa nguyện.

Bão không hề có dấu hiệu suy yếu và vẫn giữ nguyên cường độ gió cấp 10 cấp 11 giật cấp 14, 15 ầm ầm tiến về phía đất liền.

Anh Phạm Việt Sơn nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong nhà sau bão. Ảnh: Lê Khánh.

Anh Phạm Việt Sơn nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong nhà sau bão. Ảnh: Lê Khánh.

3 giờ sáng ngày 28/10, gió bắt đầu thổi mạnh, từng đợt từng đợt cứ nối tiếp nhau thốc vào những mái tôn nhà rung lên xoang xoảng. Gió luồn qua các khe cửa phát ra âm thanh như tiếng sáo nhưng không phải là âm điệu du dương mà kéo dài đáng sợ. Lòng người thêm bồn chồn, không thể nào yên giấc.

Bắt đầu từ thời điểm này, gió mỗi lúc mỗi lớn hơn và kéo dài cho đến sáng. Lúc này, ai nấy đều chỉ biết đóng chặt các cánh cửa nhà, im bặt. Đến 11 giờ trưa cũng là lúc gió mạnh nhất, khi bão chính thức đổ bộ vào đất liền. Nhìn qua ô cửa kính, một cảnh tượng vô cùng hãi hùng. Ngoài trời, những mái tôn bị gió hất bay khắp nơi. Những gốc cây lớn bật gốc, rào rào đổ xuống.

Nhiều giờ đồng hồ liền, cơn bão cứ quần thảo mà không chịu dứt. Mỗi đợt gió đi qua, những gì sót lại chỉ là đống hoang tàn. Đã rất lâu rồi, người dân Quảng Ngãi mới chứng kiến một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp như vậy. Chỉ mong sao, bão chóng qua đi thật mau.

15h ngày 28/10, gió cũng đã ngớt, người dân lúc này mới dám mở của nhà để kiểm tra lại nhà cửa và tài sản. Dù nhiều hay ít, nhà nào cũng hầu như không tránh khỏi thiệt hại. Quanh nhà ngổn ngang, ngoài đường cây cối ngã rạp.

Cả tỉnh Quảng Ngãi hầu như nơi đâu cũng xơ xác sau trận cuồng phong. Nhưng nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Bình Sơn, nơi tâm bão đi qua.

Trời vừa ngớt gió, hai vợ chồng ông Nguyễn Việt Sơn và bà Phạm Thị Hồng (trú thôn Mã Thượng, xã Bình Hải) tất tả chạy về kiểm tra lại căn nhà của mình. Không thể tượng tượng được, những gì còn sót lại chỉ là trơ trọi 4 bức tường. Mái nhà bị gió cuốn bay ra xa hàng chục mét, toàn bộ đồ đạc đều ướt sũng, hư hại.

Bao nhiêu tài sản trong nhà là công sức suốt nhiều năm làm lụng của 2 vợ chồng chị vậy mà chỉ một luồng gió đi qua đã cuốn hết tất cả. Ngồi trước sân thẫn thờ nhìn vào một lúc lâu, chị Hồng mới bước vào trong để dọn dẹp những gì còn sót lại. Chị bảo, mấy chục năm rồi, chị chưa thấy cơn bão nào như thế này cả.

Gia đình làm nghề nông tằn tiện từng chút một mới dựng lên được căn nhà nhỏ. Bây giờ cay đắng chứng kiến cảnh này, xót xa lắm. Nhưng biết làm sao được nữa, thiên tai đâu thương cảm cho ai bao giờ. Thôi thì còn người, còn của.

“Mất rồi thì vợ chồng phải cày cuốc làm lại nhưng chỉ thương cho các con. Những ngày tới đây phải sống nương nhờ bạn bè chòm xóm vì đâu còn chỗ ở”, chị Hồng ngậm ngùi.

Căn nhà của anh Phan Thanh Hợi chỉ còn là đống đổ nát sau bão. Ảnh: Lê Khánh.

Căn nhà của anh Phan Thanh Hợi chỉ còn là đống đổ nát sau bão. Ảnh: Lê Khánh.

Cách nhà chị Hồng không xa, căn nhà xây được 3 năm hết hơn 100 triệu đồng của anh Phan Thanh Hợi (thôn Mã Thượng, xã Bình Hải) giờ là một đống hoang tàn. Mái nhà bị gió cuốn phăng, 4 bờ tường cũng đổ sập xuống, gạch đá vương vãi khắp nơi. Sau bão, cả gia đình 4 người nhà anh chỉ biết nghẹn ngàonhìn nhau, không ai nói với ai một lời nào.

“Tan hoang hết cả rồi, còn gì nữa đâu. Lúc bão vào, cả gia đình đều xuống dưới hầm trú ẩn. Ở dưới đó chỉ nghe thấy tiếng gió rít. Tưởng là bão sẽ đi nhanh nhưng không ngờ nó lại càn quét mấy giờ đồng hồ liền. Có lúc, tôi nghe thấy những tiếng tôn bay loảng choảng, tưởng là căn nhà có thể cầm cự được, nhưng rồi, khi bước lên thì…”, anh Hợi ngắt lời thở dài.

Thiên tai, bão lũ với người miền Trung không còn xa lạ. Nhưng, với cơn bão số 9 này, thiệt hại quá lớn. Bão đi qua không phải là kết thúc mà phía sau đó còn là chuỗi ngày dài để khắc phục hậu quả. Đó là chưa kể đến việc mùa mưa lũ ở dải đất này vẫn còn phía trước…

Theo thống kê ban đầu của tỉnh Quảng Ngãi đến 15h ngày (28/10), bão số 9 đã khiến hơn 53. 000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1 trụ BTS ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị ngã đổ; 31 trụ sở cơ quan tốc mái, hư hỏng; 28 trường học bị tốc mái, hư hỏng; chợ Sông Vệ và chợ Nghĩa Phú bị tốc mái; một số ca nô, thuyền neo trú tại cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm....

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.