Bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành lâm nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, có trên 117.000ha rừng bị gãy đổ từ 30-100%, trong đó tổng diện tích rừng trồng bị thiệt hại hoàn toàn và rất nặng là 77.000ha.
Ngay sau bão, tỉnh Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng phục hồi lại những diện tích rừng bị ảnh hưởng. Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết trước mắt cần ưu tiên xây dựng đường băng cản lửa tại các phân vùng phòng ngừa nguy cơ cháy rừng lan trên diện tích rộng, khó kiểm soát; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tự giác dọn dẹp, thu dọn rừng, đường băng cản lửa, xử lý thực bì bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng, tránh để cháy rừng tràn lan, thụ động...
Cùng với đó, về lâu dài sẽ khẩn trương lập, triển khai đề án khôi phục, tái thiết và phát triển lâm nghiệp bền vững sau bão số 3 đến năm 2030 tích hợp vào đề án tái khôi phục, tái thiết nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh sau bão.
Thời gian qua, nhiều đơn vị trong toàn tỉnh đã và đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống tránh rừng và chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới. Theo chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Uông Bí đã chuẩn bị khoảng 400 vạn cây giống. Dự kiến đến tháng 4/2025 sẽ trồng xong tại những diện tích bị gãy đổ.
Không chỉ riêng những doanh nghiệp lớn, nhiều hộ dân trồng rừng cũng đã chủ động chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để sẵn sàng trồng rừng vụ xuân. Bà Trương Thị Mùi (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) chia sẻ: “Gia đình tôi có 8ha trồng keo có độ tuổi từ 3 đến 5 năm tuổi, tất cả đều bị hư hỏng nghiêm trọng do cơn bão số 3. Hiện nay, tôi đang cố gắng dọn dẹp hiện trường, dự kiến sau Tết Nguyên đán có cây giống sẽ trồng lại vụ mới”.
Theo đó, trong năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ trồng lại 77.000ha rừng trồng bị thiệt hại từ 50-100% diện tích, tăng gấp 6 lần so với những năm trước đây. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ bây giờ, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, nhất là về điều kiện đất đai, giống, cây trồng…
Đối với các chủ rừng, hiện nay ngành lâm nghiệp đang tập trung kiểm tra, hướng dẫn để xử lý thực bì, chuẩn bị vật tư trồng, làm đất, xác định mật độ trồng… Cùng với đó, cần đảm bảo trồng theo đúng thời vụ và chăm sóc theo đúng quy trình, từ đó đảm bảo hiệu quả rừng trồng.
Đặc biệt đối với cây giống, người dân cần chủ động chọn mua tại những cơ sở uy tín để đảm bảo năng suất và chất lượng của cây trồng. Sở NN-PTNT Quảng Ninh cũng hợp tác với các cơ sở về giống cây để đảm bảo vệ số lượng, chất lượng của cây giống.
Theo định hướng của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, các chủ rừng nên lựa chọn những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chu kỳ ngắn kết hợp trồng lại rừng bằng các loại cây bản địa, cây gỗ lớn để lấy ngắn nuôi dài. Điều này sẽ hạn chế tối đa rủi ro do thiên tai và nâng cao giá trị của rừng trên một đơn vị diện tích rừng trồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng cho các chủ rừng bị thiệt hại được xử lý rủi ro; đồng thời cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để tái đầu tư, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.