
Rà soát diện tích rừng của Vườn quốc gia Tam Đảo. Ảnh: Tùng Đinh.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị và đoàn công tác của Bộ NN – PTNT vừa làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc về triển khai thực hiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 liên quan đến Vườn quốc gia Tam Đảo.
Vườn quốc gia Tam Đảo được thành lập năm 1996 theo Quyết định số 136 ngày 6/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ, nằm trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Thái Nguyên với diện tích hơn 35.000ha. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Tam Đảo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là 15.428,55 ha, thuộc các huyện Tam Đảo và Bình Xuyên.
Theo thông tin tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN - PTNT, qua rà soát xác định diện tích, ranh giới chồng lấn theo Quyết định số 895 ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.220,95ha thuộc địa bàn 2 huyện Tam Đảo và Bình Xuyên có chồng lấn, xâm lấn, xâm canh.
Đối với Vườn quốc gia Tam Đảo, sau các kỳ quy hoạch theo Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thì diện tích Vườn quốc gia Tam Đảo thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm 586,55ha, trong đó có 67,71ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ NN - PTNT điều chỉnh, chuyển cho tỉnh quản lý 518,84ha đã được đưa ra ngoài quy hoạch rừng đặc dụng Vườn quốc gia Tam Đảo, chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại hệ thống bản đồ Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia. Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn trình tự, thủ tục các bước để điều chỉnh, bàn giao cho tỉnh Vĩnh Phúc quản lý một số diện tích trong phạm vi Vườn quốc gia Tam Đảo đã được đưa ra ngoài quy hoạch.
Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao các cơ quan chuyên môn tỉnh rà soát lại thực địa, ranh giới đất chồng lấn đã giao các công ty Nhà nước, người dân; rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.