| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh: Không lơ là, chủ quan với bão số 2

Thứ Tư 03/07/2019 , 23:41 (GMT+7)

Bão số 2 được dự đoán sẽ đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng. Theo Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN Quảng Ninh, địa phương đã sẵn sàng mọi điều kiện phòng chống.

Trao đổi với NNVN đêm 3/7, đại diện Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Quảng Ninh cho biết, đến 23h ngày 3/7, vị trí tâm bão cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 40km về phía Nam, cách đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định khoảng 120km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 ( 60-75km/ giờ) giật cấp 10.

Trong 18 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.  Đến 19 giờ ngày 04/7, vị trí trung tâm vùng áp tháp ở khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 105,5  độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc (giữa) kiểm tra tại Vân Đồn

Với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 2 (bão Mun) tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các địa bàn, đặc biệt huyện đảo Cô Tô thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ), huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, cứu người trước, cứu tài sản sau, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN, để chủ động đối phó với bão số 2, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công điện khẩn số 09/CĐ-UBND, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai biện pháp chủ động phòng chống. Tỉnh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra tại cơ sở, những nơi xung yếu; thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân không được chủ quan, lơ là.

Đến 15h ngày 3/7, tổng số 8.460 tàu đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đã nhận được thông tin về bão và hướng di chuyển của bão. Các tàu đã di chuyển về khu neo đậu, tránh trú an toàn. Trên 500 tàu du lịch và các phương tiện ra các tuyến đảo đã di chuyển về khu neo đậu, tránh trú trước 14h ngày 3/7. Toàn tỉnh có 9.663 ô lồng nuôi thủy sản, tập trung tại vùng biển kín đều được các địa phương thông tin, hướng dẫn biện pháp chằng chống, gia cố, di chuyển người già, trẻ nhỏ vào bờ.

Tại huyện Cô Tô, còn 1.640 khách du lịch (4 khách nước ngoài) lưu trú. Các du khách đã được thông tin đầy đủ từ các đơn vị cơ sở lưu trú, được bố trí đảm bảo an toàn về người và tài sản.

25 hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh đang được vận hành an toàn, mực nước tại các hồ chứa có cửa van điều tiết đều thấp hơn mực nước trữ theo quy trình vận hành. Các trạm bơm tiêu lớn đều đã sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu. Hiện các tuyến đê trên địa bàn tỉnh đều đã cơ bản hoàn thành kế hoạch xây dựng, tu bổ trong năm 2018.

Tàu thuyền đã neo đậu an toàn

Theo báo cáo của huyện Vân Đồn, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Vân Đồn đã có 1.266 phương tiện tàu, thuyền của các xã, thị trấn nhận được thông tin để vào nơi tránh trú an toàn, trong đó có 110 chiếc đánh bắt xa bờ, 1.156 tàu có công suất máy dưới 90 CV; 531 nhà bè nuôi trồng thủy sản, dịch vụ được gia cố, chằng buộc, sẵn sàng sơ tán người già, trẻ em lên bờ; 26 công trình hồ đập được rà soát, đảm bảo an toàn vận hành.

Để chuẩn bị cho công tác phòng, chống bão số 2, các cơ quan, đơn vị với nòng cốt là lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ trên địa bàn đã lên phương án phòng, chống với phương châm "4 tại chỗ", đồng thời Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN huyện đã huy động 18 máy xúc, 21 ô tô của các đơn vị thi công trên địa bàn túc trực xử lý những khu vực có nguy cơ ngập lụt.

Đối với hồ đập trên địa bàn tỉnh, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã rà soát, có phương án xả lũ khi có mưa lớn. Ngành Than có phương án đảm bảo an toàn trong khai thác than và khu vực bãi thải mỏ, tránh để ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, đời sống người dân quanh khu vực. Các địa phương có nguy cơ ngập lụt cao, như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên phải có phương án di dời dân; chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân theo phương châm "4 tại chỗ"; cảnh báo lũ quét, lũ ống sau bão, đặc biệt không được để người dân đi qua các đập tràn.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.