| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh: Làm đường giao thông hạn chế lấy vào đất rừng

Thứ Tư 12/07/2023 , 13:55 (GMT+7)

Đại biểu lo ngại một số dự án giao thông quan trọng của tỉnh Quảng Ninh đi qua khu vực có địa hình đồi núi phức tạp, chiếm dụng diện tích rừng tự nhiên.

Chiều 11/7, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV tiếp tục diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đăng ký chất vấn với 28 nội dung thuộc 3 lĩnh vực: Kinh tế ngân sách (15 nội dung), văn hóa - xã hội (8 nội dung), pháp chế (5 nội dung), liên quan đến 8 sở, ngành của tỉnh. Các nội dung đề xuất chất vấn phản ánh được những vấn đề được dư luận, cử tri, người dân quan tâm và những mặt còn hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của nhiều ngành, lĩnh vực.

Hạn chế tối đa việc mở đường công vụ lấy vào đất rừng

Đại biểu Trịnh Quang Vinh (tổ đại biểu Hạ Long), chất vấn: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án giao thông quan trọng, trong đó có những dự án sẽ thực hiện qua khu vực có địa hình đồi núi phức tạp, chiếm dụng diện tích rừng tự nhiên.

Qua theo dõi cho thấy, hiện nay đa phần các dự án giao thông đang thực hiện có địa hình tương tự đều phải tiến hành khối lượng lớn san gạt đào đắp, tác động đến địa hình, cảnh quan thiên nhiên, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ… ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Đại biểu Trịnh Quang Vinh chất vấn. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Đại biểu Trịnh Quang Vinh chất vấn. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Đại biểu Trịnh Quang Vinh đề nghị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết ngành đã có những giải pháp gì để áp dụng công nghệ, giải pháp thi công tiên tiến nhằm hạn chế tối đa tác động đến cảnh quan tự nhiên khi triển khai các dự án giao thông trong thời gian tới, nhất là tuyến đường phía tây Yên Tử?

Trả lời chất vấn nội dung này, ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Trong quá trình thực hiện các dự án, phát triển mở rộng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, Quảng Ninh luôn nêu cao quan điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hài hoà giữa phát triển dự án với bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển du lịch. Vì thế, ưu tiên bảo vệ cảnh quan môi trường là quan điểm được thực hiện xuyên suốt ở tất cả các dự án.

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT trả lời chất vấn. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT trả lời chất vấn. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

"Điển hình tại dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, để giữ nguyên trạng diện tích rừng ngập mặn 2 bên tuyến đã sử dụng tới 35 cây cầu, trong đó có cây cầu dài gần 500m để bảo tồn nguyên trạng diện tích rừng ngập mặn", ông Hải dẫn chứng. 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, ông Hải khẳng định với những dự án giao thông lớn trong thời gian tới, ngành Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục áp dụng những giải pháp để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến diện tích đất rừng như: Rút gọn phương án tuyến; áp dụng công nghệ mới tiên tiến (cầu quay, cầu cạn, kè chắn…); hạn chế tối đa việc mở đường công vụ lấy vào đất rừng mà sẽ tận dụng đường cũ, đường mới làm; chọn những nhà thầu có máy móc công nghệ tiên tiến, nhà thầu sử dụng những cấu kiện đúc sẵn trong nhà xưởng…

Thiếu cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

Chất vấn Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Minh Sơn, đại biểu Nguyễn Chiến Thắng (tổ đại biểu TX Đông Triều) cho biết: Tại kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 239/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch và xây dựng khu giết mổ tập trung đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm; phấn đấu đến năm 2021, 100% địa phương xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn và cơ bản xóa bỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư trên địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Chiến Thắng chất vấn. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Đại biểu Nguyễn Chiến Thắng chất vấn. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Tuy nhiên, qua nắm bắt, đến nay, việc triển khai thực hiện nội dung trên còn chưa hiệu quả. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh vẫn chỉ có 06 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và Đông Triều. Còn các địa phương khác là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong các khu dân cư.

Ông Thắng đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết thực trạng và giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo tiêu chuẩn về ATTP nhằm tạo chuyển biến thực sự trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở NN- PTNT Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn trả lời: Kết quả thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung của Quảng Ninh rất chậm, đến nay mới có 6 cơ sở giết mổ tập trung, trong đó 3 cơ sở được cải tạo, nâng cấp; 3 cơ sở giết mổ được xây mới, từ năm 2020 đến nay chưa có cơ sở mới nào được xây dựng.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Minh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Minh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Báo Quảng Ninh

"Nguyên nhân do việc thu hút đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, việc bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở giết mổ phải đảm bảo khoảng cách (500m) theo QCVN 01-150:2017/BNNPTNT nên rất khó tìm địa điểm. Các địa điểm quy hoạch thường cách rất xa khu trung tâm, xa chợ; hạ tầng (điện, đường, hệ thống cấp thoát nước) chưa có nên khi giới thiệu, nhà đầu tư đều không nhất trí. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, mang tính xã hội hóa rất cao, suất đầu tư lớn nhưng vốn, lợi nhuận thu hồi chậm và chứa nhiều rủi ro nên khó kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này", ông Sơn lý giải.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, ông Nguyễn Minh Sơn cho biết Sở NN-PTNT đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như: Phối hợp với các sở, ngành để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh.

Sở cũng sẽ đề nghị UBND các địa phương khẩn trương rà soát lại các địa điểm trong mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung đã được phê duyệt trước đây, đối chiếu với quy hoạch mới để đưa ra hoặc đề xuất bổ sung địa điểm mới. Cùng với đó, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi, đáp ứng vệ sinh thú ý, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.