Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vừa có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Đoàn đến thăm và khảo sát thực tế khu rừng tự nhiên được giao cho gia đình ông Triệu Tài Cao tại thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP. Hạ Long. Gia đình ông Cao được nhà nước giao quản lý rừng từ những năm 1980, giờ vẫn bảo tồn được 30ha là rừng tự nhiên với trên 3.000 cây dó bầu, cùng các cây gỗ quý như: Đinh, lim, sến, táu, dẻ, vàng tâm,…
Ông Cao mất cuối năm 2022 ở tuổi 81. Sau khi ông qua đời giao lại rừng cho 5 người con trai gìn giữ. Triệu Tiến Lộc là trai út ở cùng bố, được gửi gắm hơn 9ha rừng cổ thụ, trong đó chủ yếu là những cây gỗ quý với trên 200 gốc lim cổ.
Chỉ tay vào cây lim mé đầu rừng một người ôm không xuể, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký hào hứng cho biết, nhiều người trả cả tỷ đồng để mua cây lim này nhưng gia đình ông Cao không bán.
Nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giới thiệu vậy, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (trưởng đoàn) có vẻ vẫn "bán tín bán nghi" nên bảo đoàn đi tiếp vào sâu khu rừng. Càng vào sâu thấy lim càng nhiều, cây nào cũng to dễ phải đến vài chục năm tuổi, lúc này mọi người mới gật gù, thán phục.
Thế nhưng, nhìn căn nhà cũ kỹ của gia đình ông Cao dưới những tán lim bạc tỷ, không ít vị đã thắc mắc, vì sao mà đến giờ họ vẫn giữ được khu rừng nguyên vẹn, bởi chỉ cần bán đi vài cây lim cổ đã thừa tiền xây nhà khang trang.
Về điều này, anh Triệu Tiến Lộc chia sẻ: "Bố mình đã dành cả đời để trồng và giữ gìn rừng lim cổ. Trước lúc mất, ông dặn rừng già phải giữ, chỉ trồng thêm chứ không được chặt. Giờ vẫn nhiều người hỏi mua lắm nhưng mình không bán vì đó là kỷ vật, là tấm lòng bố để lại cho con cháu".
Vậy là "động cơ" giữ rừng cho bằng được của gia đình ông Triệu Tài Cao đã rõ nhưng hình ảnh ngôi nhà đơn sơ, cũ kỹ dường như vẫn khôn nguôi trong tâm trí thành viên cán bộ Đoàn.
Bởi thế, tại cuộc làm việc buổi chiều giữa Đoàn công tác với tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, đã trút những lời gan ruột, đề xuất "phải có chính sách gì cho bà con chứ không thể để dân giữ rừng cho nhà nước, rồi nhà nước cho cây vào bảo tồn, di sản, trong khi dân còn nghèo".
Ý kiến của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cũng là trăn trở của những cán bộ trong ngành lâm nghiệp. Như trường hợp gia đình ông Triệu Tài Cao, nhiều năm nay là tấm gương giữ rừng được cả tỉnh biết đến, báo chí ca ngợi song sự thật phũ phàng là hiện tại gia đình không có hỗ trợ nào từ nhà nước.
Sáng nay gọi điện hỏi về nguồn thu, anh Triệu Tiến Lộc bảo, tre trúc trong rừng thì có mùa, còn dược liệu dưới tán rừng giờ nhiều người làm nên tìm đầu ra cũng khó nên ông Lộc mong muốn "giá được nhà nước hỗ trợ thêm cho thì đỡ".
Đúng là "Có thực mới vực được đạo", chỉ dựa vào nguồn thu từ bán măng tre, dược liệu dưới tán rừng, nhiều người đã lo nhỡ đến lúc kinh tế khó khăn liệu rằng Triệu Tiến Lộc có giữ được lời thề với bố trước rừng lim cả chục tỷ đồng đầy cám dỗ bủa vây là một câu hỏi đau đáu với nhà nước với những người giữ rừng như gia đình ông Cao.