| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh 'lợi đủ đường' khi dùng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng

Thứ Năm 16/11/2023 , 22:02 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ninh nhận định địa phương sẽ được nhiều cái lợi khi tận dụng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng.

Bãi thải mỏ Công ty CP Than Hà Tu nằm trong địa điểm quy hoạch khai thác, tái sử dụng đất đá thải mỏ.

Bãi thải mỏ Công ty CP Than Hà Tu nằm trong địa điểm quy hoạch khai thác, tái sử dụng đất đá thải mỏ.

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề "Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn".

Tại diễn đàn, ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho phép tỉnh Quảng Ninh sử dụng hơn 12 triệu m3 đất đá thải trong quá trình khai thác than làm vật liệu san lấp.

Bốn bãi thải được phép sử dụng làm vật liệu san lấp gồm: Bãi Núi Béo trữ lượng 0,7 triệu m3, Tây Khe Sim 3,5 triệu m3, Suối Lại 3,5 triệu m3, bãi khu I của mỏ nam Tràng Bạch hơn 4,7 triệu m3.

Ngoài ra, hai khu bãi thải khác là Nam Tràng Bạch (giai đoạn 2) và Cọc Sáu với hơn 21 triệu tấn đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho phép sử dụng. Tỉnh Quảng Ninh dự kiến sử dụng số thải này để san lấp dự án Hạ Long Xanh, nơi có nhu cầu 300 triệu m3 vật liệu.

Ngoài thải than, ông Hoàng cho biết đang tiến hành thủ tục để sử dụng khoảng 35 triệu m3 tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp. Hiện cả 7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn đã xây dựng đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, các chỉ số quan trắc đảm bảo không có thành phần nguy hại.

Hai nhà máy nhiệt điện Thăng Long, Mông Dương 1 đang cung cấp khoảng 3,5 triệu m3 tro xỉ làm vật liệu san lấp cho một số dự án ở Quảng Ninh.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm tỉnh này cần khoảng 130 triệu m3 đất đá làm vật liệu san nền, dự kiến đến năm 2030 nhu cầu còn tăng cao, các dự án đã đăng ký khoảng 1 tỷ m3 dùng để san lấp mặt bằng. Hiện nay, nhiều dự án, công trình trọng điểm đang triển khai thiếu đất đá san lấp mặt bằng. Trong khi đó, Quảng Ninh đang tồn chứa một khối lượng khổng lồ đất đá thải mỏ, còn gây hiểm họa môi trường. Sơ bộ các mỏ than lộ thiên mỗi năm thải ra khoảng 150 triệu m3, các bãi thải lưu cữu trên trăm năm nay khoảng trên 1 tỷ m3.

Trước nhu cầu cấp thiết đáp ứng nguồn đất cát cho các dự án tôn nền, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) báo cáo với Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường cho tái khai thác bãi thải mỏ theo phương châm kinh tế tuần hoàn, thu hồi đất đá thải mỏ tái phục vụ san lấp mặt bằng các công trình dân dụng và công nghiệp. Năm 2022, TKV đã khai thác được 19.000m3 đất đá thải tại bãi thải mỏ Suối Lại phục vụ san lấp mặt bằng dự án cầu Cửa Lục 3. Hiện nay, trữ lượng đất đá thải khu vực bãi thải mỏ Suối Lại còn khoảng 3,5 triệu m3. Riêng bãi thải Bắc Bằng Danh, dự kiến đến năm 2025 trữ lượng đất đá mỏ thải ra trên 200 triệu m3.

Việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp không chỉ hạn chế tối đa việc khai thác đất đồi ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên mà còn giảm áp lực về bãi thải mỏ và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất than. Đồng thời nguồn đất đá thải tưởng chừng như bỏ đi và phải sử dụng nhiều kinh phí để hoàn nguyên thì khi tận dụng cho các dự án còn tạo thêm nguồn ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở hiệu quả kép khi tận dụng nguồn đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đặt ra yêu cầu phải có lộ trình chấm dứt khai thác đất, đá đồi tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng tại các địa bàn Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; tập trung sử dụng đất, đá thải mỏ, tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp mặt bằng nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Chủ trương này sẽ góp phần quan trọng để tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu nguồn đất đắp, san lấp nhiều dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.