| Hotline: 0983.970.780

Quỳ Châu mất trắng 177 tỷ đồng sau trận lũ lịch sử: Thủy điện vô can?

Thứ Bảy 04/11/2023 , 08:57 (GMT+7)

Người dân Quỳ Châu khẳng định quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện là nguyên nhân chính, tuy nhiên cơ quan chức năng lại không nghĩ như vậy.

Người dân Quỳ Châu quay cuồng sau trận lũ lịch sử. Ảnh: Việt Khánh.

Người dân Quỳ Châu quay cuồng sau trận lũ lịch sử. Ảnh: Việt Khánh.

Cuối tháng 9/2023 trên địa bàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) xảy ra trận mưa lũ với cường độ khủng khiếp, chỉ sau một đêm đã gây ra thiệt hại nặng nề cho địa phương này. Đáng chú ý, thời gian kể trên trùng với thời điểm các nhà máy thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc xả lũ cấp tập.

Tiếp nhận thông tin phản ánh từ dư luận và đề xuất của chính UBND huyện Quỳ Châu xoay quanh việc thông báo, vận hành xả lũ bất thường, Sở Công thương đã thành lập Đoàn kiểm tra quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc. Tuy nhiên, kết quả vừa công bố chưa thỏa mãn được số đông.

Công tác khắc phục không hề đơn giản. Ảnh: Việt Khánh.

Công tác khắc phục không hề đơn giản. Ảnh: Việt Khánh.

Về thủy điện Nhạn Hạc, công trình này được xây dựng trên sông Quang, thuộc địa bàn xã Mường Nọc và xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đập thủy điện Nhạn Hạc là đập tràn tự do, có 2 cửa van điều tiết.

Đoàn kiểm tra xác nhận, vào lúc 0h00 ngày 27/9 lưu lượng nước về hồ là 103,403m3/s, tương ứng với mực nước hồ 307,9m. Đến 02h00 ngày 27/9 lưu lượng về hồ đạt 683,914m3/s, tương ứng mực nước hồ 312,114m.

Từ số liệu được kiểm chứng, thấy rằng Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc đều đưa ra thông báo vào những khung giờ hết sức “oái oăm”, nếu bám vào đây chẳng khác nào đánh đố. Chi tiết hơn, đơn vị này thông báo lần đầu vào lúc 00h44 ngày 27/9/2023, tiếp đến là 01h56 cùng ngày.

Chưa dừng lại, ban đầu nhà máy dự kiến xả qua cửa van lúc 5h30 ngày 27/9. Tuy nhiên, tại thời điểm 02h00 ghi nhận lưu lượng nước về hồ tăng đột biến, mực nước hồ chứa vượt cao trình 312m nên chủ sở hữu đã quyết định áp dụng theo quy trình đơn hồ trong tình huống khẩn cấp, đồng nghĩa phải thực hiện xả lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối.

Đó là lý do nhà máy tiếp tục gửi Thông báo số 2709/2023/TB-NMNH (trùng thông báo lúc 01h56 trước đó, nguyên nhân do lỗi... soạn thảo văn bản) lúc 02h10 ngày 27/9/2023, thời gian dự kiến xả qua cửa van lúc 02h30 ngày 27/9, đồng nghĩa chỉ 20 phút sau khi thông báo được phát đi (?!)

Người dân vùng lũ cho rằng quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện là nguyên nhân chính đẩy họ vào tình cảnh khốn cùng. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân vùng lũ cho rằng quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện là nguyên nhân chính đẩy họ vào tình cảnh khốn cùng. Ảnh: Quốc Toản.

Trong khi đó, thủy điện Châu Thắng cũng án ngữ trên sông Quang, thuộc địa phận xã Châu Thắng (huyện Quỳ Châu) và xã Mường Nọc (huyện Quế Phong).

Theo Đoàn kiểm tra, vào lúc 23h42 ngày 26/9, nhà máy đã gửi Thông báo số 67/TB-PQP về việc vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện Châu Thắng đến các đơn vị liên quan, dự kiến xả qua cửa van lúc 04h00 ngày 27/9.

Cũng như thủy điện Nhạn Hạc, với lý do “lưu lượng nước về hồ tăng đột biến, đồng thời mực nước hồ chứa vượt quá cao trình” nên chủ sở hữu hồ chứa phải thực hiện xả lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối. Kể từ đây kế hoạch thay đổi liên hồi, chung quy chẳng biết đường nào mà lần.

Nực cười ở chỗ, dù thông báo tiếp theo được phát đi lúc 02h38 ngày 27/9 nhưng thời gian xả lũ khẩn cấp lại thể hiện lúc 02h35, trước đó tận 3 phút.

Kết luận của cơ quan chức năng thấy rằng các nhà máy thủy điện không liên đới nhiều đến những mất mát của Quỳ Châu. Ảnh: Quốc Toản.

Kết luận của cơ quan chức năng thấy rằng các nhà máy thủy điện không liên đới nhiều đến những mất mát của Quỳ Châu. Ảnh: Quốc Toản.

Xâu chuỗi các yếu tố, Đoàn kiểm tra xác định công tác dự báo của 2 nhà máy thủy điện Nhạn Hạc và Châu Thắng thiếu chính xác, còn bị động, chưa cảnh báo kịp thời cho vùng hạ du. Tuy nhiên cả 2 hồ thủy điện đều có dung tích hữu ích nhỏ, không có dung tích phòng lũ, không có chức năng cắt lũ, trong quá trình vận hành đã tuân thủ theo đúng quy trình được phê duyệt.

Từ kết luận của Đoàn kiểm tra, hiểu rằng trận lũ lịch sử vừa giáng xuống huyện nghèo Quỳ Châu không liên quan nhiều đến quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện Châu Thắng và Nhạn Hạc. Sau cuối, tất cả là do… thiên tai. Kỳ lạ! Cuối cùng là mất mát và đau khổ thì toàn dân vùng lũ gánh chịu. 

Xác nhận với NNVN, ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu khẳng định trận thiên tai vừa rồi thực sự khủng khiếp, mức độ càn quét lớn nhất trong 30 – 40 năm qua. Không những gây tử vong về người, mưa lũ còn khiến hàng ngàn nhà dân, hàng loạt công trình thiết yếu cùng nhiều tài sản có giá trị bị ngập sâu, công tác khắc phục vô cùng khốn khó… ước tổng thiệt hại hơn 177 tỉ đồng.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...