Nhọc nhằn xứ muối Bạc Liêu
Ngày 4/10, Quỹ Khuyến học GrowMax (do Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GrowMax và Báo Nông nghiệp Việt Nam thành lập) đã trao 35 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 2 điểm trường tiểu học thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Tại Trường Tiểu học Quang Trung, xã Điền Hải, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), Quỹ Khuyến học GrowMax đã trao 20 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Xã Điền Hải có Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia "Nghề làm muối ở Bạc Liêu", là nghề thủ công truyền thống ở đây. Để làm ra được hạt muối tưởng như đơn giản, song đó lại là cả một quá trình nhọc nhằn với mồ hôi lẫn nước mắt của diêm dân.
Thầy Nguyễn Văn Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung chia sẻ: Trường có 1.206 học sinh, trong đó có đến 200 em là học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Có nhiều em ở với ông bà vì cha mẹ làm ăn xa. Phụ huynh các em đa phần không có đất sản xuất, làm nghề đi biển và nghề muối.
Cha mẹ khó khăn nên nhiều em thiếu dụng cụ học tập và đồng phục đến trường. Nhiều phụ huynh không có khả năng mua bảo hiểm cho con vì hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, học bổng từ Quỹ Khuyến học GrowMax sẽ phần nào giúp các em mua đồng phục, bảo hiểm và dụng cụ học tập.
Em Phạm Thành Triệu, học sinh lớp 1A2 (Trường Tiểu học Quang Trung) là một trong những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cha bỏ đi khi em còn trong bụng mẹ, một thời gian sau thì mẹ cũng lập gia đình mới, em ở với ông bà ngoại đã lớn tuổi.
Cô Nguyễn Ngọc Hân, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2 chia sẻ: Hoàn cảnh của em Triệu trong lớp rất khó khăn, cháu ở với ông bà ngoại hàng ngày đi nhặt ve chai. Gia đình không có điều kiện cho cháu đi học. Chính quyền địa phương và nhà trường đã vận động hỗ trợ cho em vào học lớp 1. Học bổng lần này tuy không nhiều nhưng phần nào giúp em và gia đình trang trải khó khăn.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, xã Long Điền Đông, Quỹ Khuyến học GrowMax đã trao 15 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Trịnh Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ cho biết: Trường có 881 học sinh, trong đó khoảng 10% (hơn 80 em) có hoàn cảnh khó khăn, trong đó hơn 30 em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Phụ huynh các em đa phần đi làm ăn ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai nên các em ở với ông bà.
Vất vả đất dừa Bến Tre
Trước đó, ngày 3/10, Quỹ Khuyến học GrowMax đã triển khai hành trình chia sẻ với học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại vùng ven biển tỉnh Bến Tre.
Phú Long là một trong hai xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Đại (Bến Tre). Kinh tế của bà con nông dân trong xã chủ yếu dựa vào cây dừa, cây lúa. Tại Trường Tiểu học Phú Long, Quỹ Khuyến học GrowMax đã trao 20 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn là hộ nghèo và cận nghèo.
Thầy Võ Văn Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường có 19 lớp với 608 học sinh, trong đó có 58 em học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Gần đây, giá dừa liên tục giảm sâu, dịch sâu đầu đen, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên đời sống của người nông dân khó khăn. Hiện nay giá dừa nông dân tự thu hoạch bán được 25.000 đồng/chục (12 trái), để thương lái thu hoạch thì chỉ có 20.000 đồng/chục. Đa số nông dân chỉ có 3.000 – 4.000m2 đất vườn dừa, mỗi tháng thu hoạch được chừng 300 – 400 trái nên thu nhập rất thấp.
Chia tay Trường Tiểu học Phú Long, Quỹ Khuyến học GrowMax tiếp tục hành trình đến với cồn Linh (hay cồn Lá), xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm). Cồn được chia làm 2 ấp, với khoảng 850 hộ dân. Thu nhập của bà con trên cồn phụ thuộc vào công việc tại các xưởng thủ công mỹ nghệ như làm cúc áo từ gáo dừa, làm than gáo dừa, đan giỏ. Gần đây, nghề nuôi tôm phát triển, tuy nhiên chỉ khoảng 50% người nuôi có lãi bởi chưa có kinh nghiệm. Do đó nhiều hộ nông dân trên cồn cũng gặp không ít khó khăn.
Tại điểm trường Ấp 5-6 (thuộc Trường Tiểu học Thạnh Phú Đông), năm học này có 94 học sinh các lớp 1, 2, 3. Trong đó có 10 em thuộc gia đình nghèo, cận nghèo và 15 trường hợp khác gặp khó khăn. Chia sẻ khó khăn này, Quỹ Khuyến học GrowMax đã trao tặng 15 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn nhất.
Cùng ngày, Quỹ Khuyến học GrowMax đến xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu là trồng rau màu trên đất giồng cát và nuôi tôm quảng canh, gần đây có phát triển phong trào nuôi tôm công nghệ cao, tuy nhiên phần lớn là của những người dân từ nơi khác đến đầu tư. Riêng người dân địa phương vẫn nuôi tôm quảng canh truyền thống rất bấp bênh.
Có thể nói, cuộc sống của người dân Bến Tre luôn gắn với cây dừa. Gần đây, phong trào nuôi tôm công nghiệp lan rộng tới nhiều địa bàn trong tỉnh. Dù rằng nuôi tôm đến với người dân Bến Tre muộn, nhưng nhiều nơi đã nếm trải cả thành công và thất bại.
Tại Trường Tiểu học Thạnh Hải (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú), em Trần Thị Mẫn Thi chia sẻ: "Nhà em ở Cồn Rừng, không có đất sản xuất, cha mẹ đã ly hôn. Em còn có chị gái và em trai 5 tuổi, hiện nay hai chị em sống với mẹ. Thu nhập của gia đình là từ việc đi mót sò và dọn vệ sinh trong các vuông tôm". Đã bước vào năm học mới được hơn 1 tháng nhưng cô học trò nghèo này vẫn chưa có được bộ quần áo mới, em đang mặc chiếc áo cũ từ năm ngoái.
Anh Trần Trường Giang, Trưởng đại diện khu vực tỉnh Bến Tre (Công ty TNHH Thức ăn thuỷ sản GrowMax) chia sẻ: Hoàn cảnh các em học sinh nhận bổng đều rất khó khăn, nhưng nguồn lực có hạn nên Quỹ Khuyến học GrowMax chỉ hỗ trợ được cho 65 em học sinh khó khăn nhất nơi đây. Mỗi suất học bổng là 1 triệu đồng, tuy nhỏ nhưng hi vọng sẽ giúp đỡ được phần nào khó khăn cho các em.