| Hotline: 0983.970.780

Ra mắt Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh

Thứ Hai 27/07/2020 , 09:29 (GMT+7)

Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh là cầu nối giữa các hội viên, cộng đồng với chính quyền, nhà khoa học, nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

Ra mắt 'Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh'. Ảnh: N. Thắng.

Ra mắt “Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh”. Ảnh: N. Thắng.

Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ ra mắt và khai mạc Gameshow truyền hình “OCOP là gì?”.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng và lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố, thị xã cùng tham dự buổi lễ.

Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh được thành lập với tinh thần “Tự nguyện, tự quản, tự quyết định; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng lợi”.

Sự ra đời của Hội quán là nhu cầu thực sự của những người chế biến thủy sản trên địa bàn huyện Kỳ Anh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đồng thời là cầu nối giữa các hội viên, cộng đồng với chính quyền, nhà khoa học, nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu thủy sản Kỳ Anh ngày càng phát triển, phấn đấu có thêm nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP và các sản phẩm đã đạt chuẩn thì đạt chuẩn ở mức độ cao hơn.

Sau lễ ra mắt, Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh tổ chức sinh hoạt phiên thứ nhất, với chủ đề: Nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm. Tại phiên sinh hoạt, các thành viên đã chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sau khi tham gia chương trình OCOP.

Các hội viên cũng đề xuất, kiến nghị với chính quyền các cấp, sở ngành quan tâm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất về tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, mặt bằng đất đai để xây dựng nhà xưởng, hỗ trợ vay vốn, …

Các đội thi tham gia Gameshow truyền hình 'OCOP là gì?'. Ảnh: N. Thắng.

Các đội thi tham gia Gameshow truyền hình “OCOP là gì?”. Ảnh: N. Thắng.

Trong phiên sinh hoạt Hội quán chế bến thủy sản Kỳ Anh, đại diện một số sở, ngành, đơn vị đã tư vấn đã hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của hội viên nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thủy sản.

Phát biểu tại lễ ra mắt Hội quán, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh ghi nhận công tác chuẩn bị khá kỹ lưỡng, bài bản cho lễ ra mắt Hội quán “chế biến thủy sản Kỳ Anh”; Ban Chấp hành và các thành viên tham gia hội quán đã nắm khá kỹ về nội dung, tôn chỉ mục tiêu của Hội quán.

Bí thư Tỉnh ủy cho biết, đây là 1 trong 5 điểm mô hình hội quán của tỉnh; là kết quả của chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Tháp. Mô hình này ban đầu hình thành trong 1 nhóm nhỏ, trong 1 thôn, 1 xã, nhưng tại Kỳ Anh là liên xã (5 xã), liên huyện (huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh), quy mô lớn hơn.

“Trong quá trình sinh hoạt, hội quán phải thực sự là nơi các hội viên “cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng”. Trong sinh hoạt phải thực chất, gần gũi, đơn giản, không cầu kỳ, hình thức… gây tốn kém, lãng phí. Đây không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng mà còn trao đổi kết nối kinh nghiệm với chuyên gia, cơ sở sản xuất từ các tỉnh bạn”, ông Lê Đình Sơn chỉ đạo.

Song song với ra mắt Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh, Ban Tổ chức đã khai mạc Gameshow truyền hình “OCOP là gì?”. Đây là 1 trong 2 nội dung của Cuộc thi tìm hiểu về chương trình OCOP trên sóng truyền hình và trên mạng Internet.

Theo đó, cuộc thi được tổ chức qua 2 hình thức: Gameshow truyền hình “OCOP là gì?” và trắc nghiệm trực tuyến trên mạng Internet.

Gameshow truyền hình “OCOP là gì?" do Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Tĩnh tổ chức.

Ban Giám khảo tặng hoa và trao giải Nhất cho đội dự thi Gameshow truyền hình 'OCOP là gì?'. Ảnh: N.Thắng.

Ban Giám khảo tặng hoa và trao giải Nhất cho đội dự thi Gameshow truyền hình “OCOP là gì?”. Ảnh: N.Thắng.

Đối tượng tham gia gồm lãnh đạo, cán bộ văn phòng điều phối NTM và tổ OCOP cấp huyện; đại diện ban chỉ đạo NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và OCOP cấp xã; cán bộ chuyên trách OCOP xã/phường/thị trấn và các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thông qua chương trình tạo không khí đoàn kết, phấn khởi, tuyên truyền những quan điểm, chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm, từ đó tạo không khí thi đua phấn khởi và quyết tâm thực hiện thành công Chương trình quốc gia OCOP tại các địa phương.

Tại cuộc thi vào ngày 26/7, có 5 đội tham gia, gồm: Kỳ Xuân, Kỳ Hà, Kỳ Phú, Kỳ Ninh, Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh). Các đội tham gia trải qua các phần thi: Tìm hiểu kiến thức chung về chương trình OCOP; giới thiệu sản phẩm OCOP (bằng thuyết trình hoặc hùng biện); vui cùng OCOP. Ngoài ra còn có một phần chơi giành cho khán giả.

Kết thúc cuộc thi, đội Kỳ Ninh giành giải Nhất; Kỳ Hà giành giải Nhì; 3 đội còn lại đồng giải Ba. 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.