| Hotline: 0983.970.780

Rắc rối vẫn nảy sinh xung quanh vụ kiện 'Tinh hoa Bắc Bộ'

Thứ Bảy 06/04/2019 , 09:10 (GMT+7)

Mặc dù Tòa án nhân dân Hà Nội đã đưa ra phán quyết, vở “Tinh hoa Bắc bộ” là tác phẩm phái sinh của vở “Ngày xưa”, nhưng rắc rối giữa hai đơn vị sở hữu bản quyền vẫn chưa chấm dứt.

07-19-03_tinh_ho_bc_bo
Vở kịch "Tinh hoa Bắc Bộ"

Công ty Tuần Châu Hà Nội có thể tiếp tục dàn dựng vở “Tinh hoa Bắc bộ” hay không, và liệu Công ty DS của đạo diễn Việt Tú chấp nhận xếp vở “Ngày xưa” vào dĩ vãng chăng? Ở đây, không chỉ là bài toán kinh doanh, mà còn là câu chuyện sáng tạo.

Đạo diễn Việt Tú rất phấn khởi trước kết quả của phiên tòa. Đã từng dàn dựng nhiều chương trình thời trang và ca nhạc, nhưng phải đến vở thực cảnh “Ngày xưa” thì đạo diễn Việt Tú mới thực sự dồn hết tâm huyết.

Chính đạo diễn Việt Tú đã trực tiếp hướng dẫn những người nông dân bước lên sân khấu để góp mặt vào vở diễn “Ngày xưa”. Cho nên, khi được minh định vở “Ngày xưa” là nguyên gốc của vở “Tinh hoa Bắc bộ”, đạo diễn Việt Tú thổ lộ: "Tôi đã chờ giây phút này rất lâu. Tôi cảm thấy mình may mắn vì các cơ quan nhà nước đã nhận ra tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Không chỉ tôi mà rất nhiều nghệ sĩ sẽ rất mừng vì chúng ta đã có một án lệ để hiểu được giá trị của sáng tạo, của sở hữu trí tuệ…

Mặc dù có quyền tiếp tục đòi khoản 10% phí bản quyền với tác phẩm “Ngày xưa”, các chi phí liên quan đến vở diễn phái sinh, nhưng nhất quán với quan điểm và cam kết của mình, Công ty DS của tôi sẽ từ bỏ quyền tiếp tục khiếu kiện với khoản này, nếu Công ty Tuần Châu Hà Nội không tiếp tục việc khiếu kiện. Hai công ty sẽ hoàn tất mọi thủ tục, nghĩa vụ đồng thời tôn trọng mọi sản phẩm độc lập của hai bên sau này, bao gồm tác phẩm phái sinh!”.

Trong phần tranh luận tại phiên tòa, Công ty Tuần Châu Hà Nội khẳng định họ đầu tư 7,3 tỉ đồng để thuê đạo diễn Việt Tú dàn dựng vở thực cảnh. Vì vậy, Công ty Tuần Châu Hà Nội cho rằng Công ty DS đã có hành vi xâm phạm sở hữu bằng cách đăng ký quyền tác giả kịch bản vở diễn, xâm phạm quyền lợi của nhà đầu tư. Do tác phẩm thiên nhiều về múa rối nước gây khó khăn cho khai thác thương mại, mà đạo diễn Việt Tú không bàn giao vở diễn, nên Công ty Tuần Châu Hà Nội phải thuê đơn vị khác dựng vở diễn “Tinh hoa Bắc bộ” thay thế.

Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú cho rằng ý tưởng dàn dựng vở "Ngày xưa" được ông thai nghén từ 2010. Sau nhiều lần đề nghị Công ty Tuần Châu Hà Nội cùng đăng ký bảo hộ quyền tác giả nhưng chủ đầu tư không phối hợp nên phía Công ty DS đã đăng ký quyền tác giả để đề phòng rủi ro. Ngoài ra, đạo diễn Việt Tú còn khẳng định Công ty Tuần Châu Hà Nội nợ tiền công của diễn viên và sử dụng trailer của vở "Ngày xưa" để quảng cáo cho tác phẩm “Tinh hoa Bắc bộ”.

07-19-03_do_dien_viet_tu
Đạo diễn Việt Tú

Khi phiên tòa kết thúc, đạo diễn Hoàng Nhật Nam - người dàn dựng vở “Tinh hoa Bắc bộ” đã phản ứng rất mạnh mẽ: Tôi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng không một lần nào được tòa án triệp tập theo quy định. Tôi vô cùng bàng hoàng với kết quả này. Bởi lẽ, theo tình và lý thì phán quyết của tòa đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi tòa kết luận về tác phẩm của tôi nhưng không một lần mời tôi với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan".

Câu hỏi đặt ra: vở “Tinh hoa Bắc bộ” có phải khởi sự dựa trên vở “Ngày xưa” không? Theo đạo diễn Hoàng Nhật Nam, việc sử dụng nông dân địa phương thành diễn viên trong vở diễn là ý tưởng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu trong show "Ấn tượng Lưu Tam Tỷ" thực hiện ở Quế Sơn - Trung Quốc, đồng thời sau đó cũng được áp dụng trong nhiều vở khác tại châu Á. Khi Công ty Tuần Châu Hà Nội mời cộng tác và đề nghị làm vở diễn thực cảnh về Bắc Bộ, đạo diễn Hoàng Nhật Nam chọn phong cách đậm chất giải trí để thu hút người xem.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam có bằng thạc sĩ văn chương, từng dàn dựng đêm chung kết Hoa hậu VN và đêm trao giải Liên hoan phim VN. Trong giới show biz, đạo diễn Hoàng Nhật Nam được nhắc đến rất nhiều khi Công ty Sen Vàng của vợ ông càng ngày càng ăn nên làm ra.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam bộc bạch về hành trình nghệ thuật bản thân: “Tôi có thể làm mọi thứ, từ lên ý tưởng, chấp bút viết kịch bản văn học, lời bình đến dàn dựng sân khấu. Vì tôi nắm rõ từng khâu, tỉ mỉ trong từng chi tiết, nhờ vậy tôi mới kiểm soát chương trình, nội dung chặt chẽ và luôn trong tâm thế chủ động. Khi có điều kiện xem các show nghệ thuật ở nước ngoài, tôi đã rất mê mẩn và luôn tâm tư làm sao, đến khi nào mình cũng thực hiện bằng được một show diễn để quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch cho Việt Nam. Đất nước mình hơn 4.000 năm văn hiến, địa linh nhân kiệt… những chất liệu và yếu tố văn hóa mình nào có thua ai. Cái thiếu là vốn đầu tư và huy động chất xám con người. Khi nhà đầu tư ngỏ lời, như cơ duyên đã đến, sau khi trao đổi kỹ lưỡng và loại bỏ hết gút mắc, tôi cùng ê kíp dốc sức nghiên cứu, tham vấn những chuyên gia lịch sử văn hóa, ăn dầm nằm dề nhiều tháng ở miền Bắc để thai nghén và cho ra đời đứa con tinh thần mang tên “Tinh hoa Bắc bộ”!”.

Dù không phải là vụ kiện bản quyền đầu tiên, nhưng tranh chấp giữa vở “Tinh hoa Bắc bộ” và vở “Ngày xưa” có nhiều rắc rối nằm ngoài khuôn khổ pháp lý. Trên cơ sở đề nghị của Tòa án nhân dân Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã thành lập Hội đồng thẩm định gồm có bốn thành viên NSƯT Lê Chức, đạo diễn Trần Minh Ngọc, PGS-TS Trần Trí Trắc và PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái. Hội đồng thẩm định đánh giá, vở “Tinh hoa Bắc bộ” và vở “Ngày xưa” có nhiều điểm giống nhau về cơ bản. 

07-19-03_do_dien_hong_nht_nm
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam

Cụ thể, hai chương trình đều có chung một ý tưởng dàn dựng, trình diễn thực cảnh nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc; chỉ khác nhau ở tên gọi từng trò diễn, từng phân cảnh. Về chất liệu, hai bên đều sử dụng loại hình nghệ thuật múa rối nước kết hợp với những màn biểu diễn tập thể và cùng một địa điểm. Về kết cấu câu chuyện, nội dung của các tiết mục trong hai chương trình có nhiều điểm giống nhau, tuy nhiên tên gọi của các nhân vật có khác nhau hoặc thay bài hát dân ca này bằng bài hát dân ca khác; có nhiều phân cảnh giống nhau…

Đặc biệt, chi tiết giống nhau nhất là hai bên đều sử dụng ngôi nhà thủy đình có gắn động cơ ở trên hồ cho đình chuyển động, hai chương trình cùng một địa điểm nên không gian nghệ thuật lặp lại, các diễn viên tham gia trong hai chương trình cũng giống nhau về số lượng tương đương, kể cả đạo cụ biểu diễn cũng không khác nhau là mấy…

Với tư cách thành viên Hội đồng thẩm định, đạo diễn Trần Minh Ngọc chia sẻ: “Dù không được xem sân khấu trực tiếp, nhưng qua băng ghi hình, chúng tôi đã nghiên cứu từng chi tiết, từng bối cảnh một cách kỹ lưỡng. Các thành viên thống nhất kết luận “Tinh hoa Bắc bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa”, hoàn toàn không phải cảm tính. Hai tác phẩm có kết cấu và mô-típ giống hệt nhau, thì “Ngày xưa” xuất hiện trước nên được quyền xác lập tác phẩm gốc, còn “Tinh hoa Bắc bộ” dàn dựng sau thì không thể nói rằng “Ngày xưa” mô phỏng của mình. Chúng tôi phân định giá trị “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc bộ” rất khách quan. Ở góc độ cá nhân, tôi thấy đạo diễn Việt Tú và đạo diễn Hoàng Nhật Nam đều có những ưu điểm riêng, nhưng quan trọng nhất là ý tưởng khởi đầu thuộc về “Ngày xưa”. Chúng tôi chỉ dựa trên yếu tố chuyên môn để đưa ra nhận định của giới làm nghề sân khấu chuyên nghiệp!”.

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm