| Hotline: 0983.970.780

Rầm rộ dịch vụ chở nước ngọt 'cứu khát' cho cây ăn trái

Thứ Ba 18/02/2020 , 18:00 (GMT+7)

Theo các chủ sà lan, tuỳ theo vị trí vườn cây mà giá mỗi khối nước dao động từ 30.000-70.000 đồng.

Các phương tiện chở cát đã được thuê chở nước ngọt cứu khát cho cây ăn trái. Ảnh: Minh Đảm

Các phương tiện chở cát đã được thuê chở nước ngọt cứu khát cho cây ăn trái. Ảnh: Minh Đảm

Hiện nay, độ mặn 2‰ đã bao trùm tỉnh Bến Tre và xâm nhập sâu các cửa sông. Trong khi đó, hệ thống kênh, mương nội đồng tại các vườn cây ăn quả của Bến Tre và phía Tây tỉnh Tiền Giang đều đã cạn nguồn nước ngọt hoặc đã nhiễm mặn.

Để có nước tưới cây, nhiều nhà vườn đã thuê sà lan (thường ngày chở cát sông) chở nước có độ mặn dưới 1‰ từ các địa phương thượng nguồn sông Tiền. Trên sông Cổ Chiên tại địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) mỗi ngày có trên chục sà lan có tải trọng từ vài trăm đến 1.000 m3 hoạt động.

Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: Ở thời điểm này, một số vườn cây chôm chôm, sầu riêng có dấu hiệu bị chết do thiếu nước ngọt. Do đó, việc thuê các sà lan chở cát sang chở nước ngọt từ vùng phía trên về được xem như giải pháp cứu vườn cây khả thi nhất ở thời điểm này.

Trên sông Hàm Luông, đoạn qua các xã cù lao của huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) như Tân Phong, Cai Lậy cũng có đến 10 phương tiện chuyển nước về “cứu khát” cho cây sầu riêng.

Lắp đặt đường ống dẫn nước từ sà lan vào vườn cây sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Lắp đặt đường ống dẫn nước từ sà lan vào vườn cây sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) có khoảng 1.800 ha đất nông nghiệp, trong đó trên 90% diện tích trồng sầu riêng. Hiện toàn bộ diện tích xã bị nước mặn bao vây tứ phía.

Ông Nguyễn Hoài Vui, ở ấp Hoà Thanh xã Ngũ Hiệp cho biết, từ đầu đợt hạn mặn đến nay ông đã bỏ ra 20 triệu đồng để bơm nước tưới 5 công sầu riêng. Bởi cây sầu riêng chỉ chịu được mặn dưới 0,5‰. Còn nếu thiếu nước thì cây đang mang trái sẽ rụng hết.

Ông Nguyễn Hoài Vui cho biết đã tốn 20 triệu đồng thuê sà la chở nước tưới cây. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Hoài Vui cho biết đã tốn 20 triệu đồng thuê sà la chở nước tưới cây. Ảnh: Minh Đảm.

Tại xã Ngũ Hiệp, các nhà vườn đã có ý thức rất cao trong công tác ứng phó với mặn. Nhiều nhà vườn đã mua thiết bị đo mặn theo dõi độ mặn thường xuyên.

Anh Ngô Tấn Trung ở ấp Hòa Thanh, xã Ngũ Hiệp cho biết: "Hiện tại thì rất nhiều nhà có thiết bị đo độ mặn và tự đo đạc rồi đối chiếu lẫn nhau. Chờ khi nào độ mặn đo được ở ngưỡng 0,3‰ trở xuống các hộ ở cạnh nhau sẽ họp bàn rồi thống nhất việc xả bọng cho nước vào".

Về giải pháp lâu dài, ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch xã UBND Ngũ Hiệp cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng lại hệ thống cống, đập cho bài bản. Xã đã nghiên cứu, rà soát lập phương án để đề nghị danh mục đầu tư cho những năm tiếp theo đầu tư các cống theo ô, vùng. Đến trước thời điểm mặn xâm nhập thì đóng các cống lại đễ trữ nước ngọt.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.