| Hotline: 0983.970.780

Chắt chiu từng giọt nước

Thứ Hai 17/02/2020 , 11:15 (GMT+7)

Nhiều nơi ở Bến Tre đang phải chắt chiu từng giọt nước để cứu hoa màu trong mùa hạn, mặn.

Người dân vùng biển Ba Tri phải mua nước ngọt sinh hoạt. Ảnh: Thành Hiệp.

Người dân vùng biển Ba Tri phải mua nước ngọt sinh hoạt. Ảnh: Thành Hiệp.

Nhiều vị lão nông cho biết năm nay hạn đến sớm hơn cả tháng khiến cho nhiều hộ trồng màu điêu đứng, hoa màu và cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nơi không đủ nước để sinh hoạt và tưới tiêu vì mặn ngập sâu vào nội đồng với độ mặn gần từ 1 -10/ngàn.

Chúng tôi đứng gần đập Thạnh Phước đang khép kín cửa ngăn mặn, ông Nguyễn Văn Sáu, một nông dân cố cựu ở đây buồn bã than: “Mấy mươi năm rồi, chưa bao giờ bà con gặp cảnh hạn hán như thế nầy. Mười mấy công dưa hấu tiêu đời. Mà không phải mình tui, bà con ở vùng ven biển nầy ai cũng bị thiệt hại nặng nề. Phen nấy chết chắc”!

Từ sau Tết Nguyên Đán, nước mặn đã xâm nhập nhiều diện tích trồng trọt ở Bến Tre, nặng nhất là tại các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại. Nước mặn có nơi xâm lấn 60 km đe dọa các nhà vườn Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm. Có nơi độ mặn lên cao tới mức báo động, khiến cho các mặt hàng nông sản bị giảm sút, kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến kinh tế địa phương.

Tại Bến Tre, có một hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây phục vụ cho ba xã Phước Tuy, Phú Ngãi và Tân Xuân, thuộc huyện Ba Tri với công suất 800.000m3 được xây dựng với kinh phí 85 tỷ đồng.

Dọc theo quốc lộ 60, đoạn đi qua xã Thạnh Hải và Thanh Phong (huyện Thạnh Phú), chúng ta tận mắt chứng kiến nhiều cánh đồng khô khốc, nứt nẻ không thể xuống lúa.

Chỉ có một số người trồng rau củ, dưa hấu, đậu phọng, củ sắn… cố vét nguồn nước lờ lợ từ ao mương, sông rạch và nước giềng để “chữa cháy” cho rau màu, với hy vọng mong manh nước ngọt sẽ về hoặc trời sẽ mưa.

 Tại xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, ông Võ Văn Tư, một chủ cơ sở cây giống cho biết dù khó khăn cách mấy cũng phải ưu tiên dành nước tưới cho cây giống nên ông đã tự xây bồn chứa nước ngọt để vượt qua mùa hạn.

 Nông dân ven biển Thạnh Phú tận dụng mọi nguồn nước có thể tưới được để tưới cho rau màu. Ảnh: Thành Hiệp.

 Nông dân ven biển Thạnh Phú tận dụng mọi nguồn nước có thể tưới được để tưới cho rau màu. Ảnh: Thành Hiệp.

Không chỉ thiếu nước tưới mà hạn mặn còn ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt của bà con, nhất là vùng ven biển. Vào những ngày nầy đi dọc theo các vùng hạn mặn, nơi đâu chúng ta cũng thấy những chiếc xe chở nước ngọt bán cho người tiêu dùng.

Anh Trang Thế Hùng, ngụ huyện Thạnh Phú cho biết: “Gần một tháng qua, tôi chịu khó lấy nước ngọt từ huyện chở đến các xã ven biển để bán cho bà con với giá từ 120 đến 150.000 đồng/ phuy (mỗi phuy chứa 200 lít) tùy thuộc nhà xa hay gần. Bình quân mỗi ngà kiếm được từ 500 đến 800.000 đồng”.

Trước tình huống khẩn cấp do mặn xâm nhập trên địa bàn, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương khẩn trương vào cuộc thực hiện ngay các giải pháp phòng chống, ứng phó nước mặn xâm nhập một cách quyết liệt nhằm giảm thiểu thiệt hại, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Công việc cấp bách hiện nay là tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Trước tết Nguyên Đán, Bến Tre đã khẩn trương xây dựng công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai, đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành (Bến Tre). Công trình nầy là một giải pháp tạo nguồn nước ngọt, bằng cách ngăn nước biển, tạo tuyến sông khép kín có lượng nước ngọt thường xuyên trên sông Ba Lai với sức chứa khoảng 5 tỷ mét khối nước. Bên cạnh đó, Bến Tre còn phát huy tác dụng các cống đập ngăn mặn.

Để ứng phó với mặn xâm nhập, chính quyền địa phương kiên quyết không để người dân bị thiếu nước uống do bị nhiễm mặn. Để thực hiện công việc nầy một cách đồng bộ, có hiệu quả, thiết thực, các các ngành chức năng đã huy động mọi nguồn lực để ứng phó với việc hạn hán và xâm nhập mặn.

Cụ thể như tặng bồn chứa nước ngọt cho bà con vùng hạn mặn. Kế đến là sử dụng xe bồn, sà lan và các phương tiện chuyên dụng khác để vận chuyển nước đến phục vụ cho các bệnh viện, khu công nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn…Điển hình như Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã sử dụng tàu hải quân vận chuyển nước ngọt đến cung cấp cho nhân dân tại các huyện vùng biển Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre).

Mặc dù nước mặn xâm nhập tại Bến Tre đang diễn biến phức tạp, mặn xâm nhập nhanh, đột ngột và rất sâu, nhưng nhờ cách ứng phó tích cực và khẩn trương của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương mà thiệt hại về hoa màu của bà con được giảm thiểu và đời sống người dân cũng không bị ảnh hưởng quá nặng nề.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm