| Hotline: 0983.970.780

Ràng buộc nhiều điều kiện với thương nhân xăng dầu

Thứ Bảy 05/10/2024 , 07:44 (GMT+7)

Thương nhân phân phối xăng dầu có ít nhất 5 cửa hàng trực thuộc, 10 đại lý bán lẻ, có kho bể, phương tiện vận tải sở hữu hoặc thuê trên 5 năm...

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương). Ảnh: MOIT.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương). Ảnh: MOIT.

Bộ Công thương đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu và vừa tổ chức lấy ý kiến lần thứ 4 từ đại diện các bộ ngành, đơn vị liên quan, các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, dự thảo đã bổ sung nhiều ràng buộc với nhóm thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, với thương nhân đầu mối, dự thảo yêu cầu có thời gian làm thương nhân phân phối xăng dầu ít nhất 36 tháng; kết nối mạng với Bộ Công thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu…; đồng thời đảm bảo tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn xăng dầu một năm.

Trong khi đó, với thương nhân phân phối, dự thảo bỏ quy định dự trữ lưu thông xăng dầu 5 ngày; bỏ điều kiện về kho chứa xăng dầu, phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu.

Để tránh việc mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, dự thảo yêu cầu thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau, chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối (là doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường).

Ngoài ra, dự thảo đã đưa ra công thức giá bán xăng dầu để doanh nghiệp tự tính toán. Dựa trên quy định về các yếu tố hình thành giá, doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.

Việc bình ổn giá xăng dầu cũng được dự thảo thống nhất thực hiện theo Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/ 2024) do Luật Giá đã quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá.

Một số quy định khác về dự trữ lưu thông xăng dầu cũng được dự thảo nghiên cứu, xem xét theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính như: Bỏ điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; Bỏ điều kiện quy định về sở hữu hoặc thuê phương tiện vận tải xăng dầu; Không quy định về việc sử dụng biển hiệu, thương hiệu...

Dự thảo quy định thương nhân phân phối không được mua bán xăng dầu của nhau. Ảnh: MOIT.

Dự thảo quy định thương nhân phân phối không được mua bán xăng dầu của nhau. Ảnh: MOIT.

Theo quy định hiện hành, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Khi tham gia thị trường, các thương nhân phải đáp ứng, duy trì các điều kiện và thực hiện quyền và nghĩa vụ ở từng phân khúc mà thương nhân tham gia.

Đối với thương nhân phân phối, yêu cầu đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh như: có 5 cửa hàng trực thuộc, 10 đại lý bán lẻ, có kho bể, phương tiện vận tải sở hữu hoặc thuê trên 5 năm...

Thống kê của Bộ Công thương, cả nước hiện có khoảng 300 thương nhân phân phối xăng dầu. Bên cạnh việc đảm bảo tính cạnh tranh cũng như tạo nên hệ thống phân phối hoàn chỉnh từ khâu tạo nguồn (nhập khẩu, mua của nhà máy sản xuất) đến phân phối, bán lẻ, Bộ Công thương nhận định, cần gấp rút xem xét việc cho phép thương nhân phân phối được mua xăng dầu của nhau.

Bộ này đánh giá, việc này đã tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối, làm tăng thêm chi phí, dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường, nguy cơ tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý khi điều tiết thị trường.

Do đó, dự thảo nghị định mới đã đề xuất cấm thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau. Phó vụ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhìn nhận, điều này sẽ giúp thương nhân đầu mối tính toán chính xác lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước, cũng như hỗ trợ cơ quan quản lý xác định chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối.

"Việc quy định thương nhân phân phối không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn, làm thương nhân đầu mối", bà Hiền phân tích.

Dự thảo Nghị định mới về xăng dầu đã được Bộ Công thương lấy nhiều vòng ý kiến. Qua các lần chỉnh sửa, tiếp thu, Bộ Công thương đã đề xuất Nhà nước không điều hành giá xăng dầu và doanh nghiệp được tự quyết. Ngoài ra, giảm tần suất sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu so với hiện nay.

Xem thêm
Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

De Heus Việt Nam và hành trình nuôi trồng thủy sản bền vững

Tại Vietfish 2024, Giám đốc Phát triển Bền vững của De Heus Việt Nam và châu Á chia sẻ về hành trình xây dựng ngành nuôi trồng thủy sản bền vững của De Heus.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.