Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, qua phản ánh của báo chí có hiện tượng một số cửa hàng ngừng bán xăng dầu do hàng chưa về kịp. Tuy nhiên, các cửa hàng này chỉ ngừng bán trong một khoảng thời gian nhất định và hôm nay đã hoạt động trở lại bình thường.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và nhiệm vụ giải pháp tháng 9 của UBND TP.HCM chiều 30/8, trả lời về vấn đề đảm bảo xăng dầu trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, từ đầu năm Sở đã có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán xăng dầu. Hiện nay, Thanh tra Sở cũng đang tiếp tục triển khai đúng kế hoạch, tập trung ở đầu mối và đơn vị phân phối. Riêng công tác kiểm tra bán lẻ được các đơn vị tập trung triển khai mở rộng, thường xuyên và giao trách nhiệm cho các đội phụ trách địa bàn.
"Sở sẽ tổ chức kiểm tra ngay lập tức nếu phát hiện ra cửa hàng nào ngưng bán hàng. Theo quy định mỗi cửa hàng xăng dầu bán lẻ muốn ngưng bán hàng phải có văn bản chấp thuận của Sở Công thương", ông Phương nhấn mạnh.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu, 60 thương nhân phân phối, một tổng đại lý và 28 đại lý bán lẻ.
Trong khi đó, TP.HCM là địa bàn có nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn như Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil… Riêng với hơn 100 điểm bán lẻ của Petrolimex khu vực II, chưa kể hàng trăm điểm bán lẻ của nhiều đầu mối và thương nhân phân phối khác của Saigon Petro, PV Oil, Comeco… các đơn vị này đều đảm bảo nguồn hàng cung ứng phân phối cho người tiêu dùng.
Qua rà soát, chỉ có 2 cửa hàng của Công ty TNHH Dầu khí Tân Hoàng (Bình Tân, quận 7) đã đăng ký ngưng kinh doanh (từ 24/8 đến ngày 14/9) với Sở Công thương để sửa chữa trụ bơm, bồn chứa.
“Trên địa bàn chỉ có 2 cây xăng ngưng bán, nên không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cùng với sự điều hành của Chính phủ, Bộ Công thương và UBND TP.HCM về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu đầy đủ, không có tình trạng thiếu hụt các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM”, ông Phương nói.
Ông Phương cũng cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp Cục Quản lý thị trường TP, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện thanh kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Trường hợp phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt kịp thời kiểm tra, xử lý theo đúng quy định.
Trong vài ngày gần đây, trên nhiều tỉnh, thành lại xuất hiện hiện tượng một vài cây xăng treo biển hết hàng, nghỉ bán sớm.
Trước đó, sáng 30/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ về giám sát các hoạt động kinh doanh xăng dầu trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh 2/9.
Bộ Công thương thành lập 3 đoàn công tác, mỗi đoàn do một đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn và đại diện 4 đơn vị Tổng Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế.
Đoàn công tác sẽ tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…
Tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95 và Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Ba đoàn công tác sẽ thực hiện đợt kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, nhưng sẽ hoạt động liên tục đến hết năm 2022 và cho đến khi ổn định tình hình cung ứng, phân phối xăng dầu trên thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.