| Hotline: 0983.970.780

Rất dễ nhiễm độc từ tim lợn siêu rẻ!

Thứ Tư 16/09/2015 , 06:35 (GMT+7)

Việc rã đông “cấp tốc” bằng phương pháp phơi ra nắng, hoặc để trong nhiệt độ tự nhiên sẽ khiến sản phẩm biến chất rất nhanh, dễ sinh ra chất độc, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng./ Phía sau những quả tim lợn siêu rẻ

Đối với sản phẩm tim, cật và thịt đông lạnh, sau khi rã đông, nếu không được bảo quản ở mức nhiệt thấp, khi nước và huyết trong quả tim tan chảy, vi khuẩn nội tại trong quả tim (đang “ngủ đông” do bị ức chế phát triển ở nhiệt độ -18oC) và vi khuẩn ngoại lai sẽ tấn công, phát triển nhanh gấp nhiều lần sản phẩm tươi sống, sản sinh ra chất độc.

Quản lý theo kiểu đuổi gà, bắt bướm

Nói về hiện tượng sản phẩm nội tạng động vật đông lạnh nhập khẩu giá “siêu rẻ” (trong đó có tim lợn) ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học – Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), chia sẻ: Bản thân quả tim lợn nhập khẩu (chính ngạch) giá rẻ hoàn toàn vô hại. Nhưng, nếu không thực hiện các nguyên tắc đảm bảo VSATTP trong khâu bảo quản, vận chuyển, mua bán, nó sẽ trở thành liều thuốc độc với người tiêu dùng.

Điều cần nhất bây giờ là người mua phải biết được rằng, trên thị trường hiện nay có tim lợn đông lạnh nhập khẩu với số lượng lớn, được bán với giá rất rẻ mạt và có khả năng trà trộn vào sản phẩm tim lợn tươi sống trên thị trường. Người mua phải được mắt thấy, tay nghe để dễ dàng nhận biết đâu là hàng đông lạnh, đâu là hàng tươi sống.

“Một vấn đề nữa, đó là người Việt Nam chưa biết cách quản lý từ gốc của vấn đề. Cứ để nó chạy, rồi đuổi theo như đuổi gà, bắt bướm thì có trời mới quản lý được. Có giải thích thế nào đi chăng nữa người bán vẫn bán, người mua vẫn mua, bắt được anh nào vi phạm thì anh ấy chết, còn không thì nó cứ trôi nổi lềnh phềnh như vậy”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

Theo ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội: Với khoảng 40 kho đông lạnh lớn nhỏ đạt tiêu chuẩn, tổng công suất lên tới hàng chục ngàn tấn, thành phố có đủ năng lực để bảo quản thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Tuy nhiên, khi chuyển ra khỏi kho đông lạnh, thực phẩm chạy theo rất nhiều hướng: Siêu thị, nhà hàng, quán ăn, khu công nghiệp, chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ cóc...

17-35-54_nh-1
Với những “quái chiêu” gian lận thương mại, những gian thương có thể hô biến số tim đông lạnh này thành tim tươi để bán với giá cao

Theo nguyên tắc, sản phẩm đông lạnh có thể bảo quản cả năm, nhưng phải luôn duy trì ở nhiệt độ -18oC (tủ lạnh thông dụng của Việt Nam chỉ đạt độ lạnh khoảng -6oC). Trong quá trình vận chuyển phải có xe chuyên dụng. Sau khi rã đông chỉ được sử dụng trong thời gian tối đa 24 giờ (với điều kiện bảo quản bằng tủ mát). Người tiêu dùng phải chế biến toàn bộ, nếu lại tiếp tục cấp đông thì rất nhanh hỏng bởi vi khuẩn đã xâm nhập nhiều.

Để đảm bảo chất lượng, khâu rã đông phải thực hiện từ từ bằng cách giảm dần độ lạnh bằng tủ mát, sau đó mới đưa ra môi trường tự nhiên. Việc rã đông “cấp tốc” bằng phương pháp phơi ra nắng, hoặc để trong nhiệt độ tự nhiên sẽ khiến sản phẩm biến chất rất nhanh, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng.

Không đủ nhân lực quản lý

Theo ông Đảm, sản phẩm đông lạnh khác với sản phẩm tươi sống ở chỗ, chúng phải được bảo quản lạnh trong quá trình kinh doanh, vận chuyển đến người tiêu dùng. Hiện tại, mới chỉ có siêu thị, nhà hàng, khách sạn và một số chợ lớn đủ điều kiện để bảo quản (từ thiết bị phụ trợ làm mát trong quá trình rã đông và đưa đến người tiêu dùng). Còn lại, đa phần chợ tạm, chợ cóc, chợ dân sinh không đủ điều kiện.

Ông Đảm lấy ví dụ: “Ở chợ Phùng Khoang, Ban Quản lý chợ có hẳn một kho làm mát để bảo quản thực phẩm đông lạnh tại chỗ, khi nào bán mới lấy ra cho khách hàng để họ đem về chế biến ngay”.

Thế nhưng, như phản ánh của Báo NNVN số ra hôm qua (15/9), những người kinh doanh tim lợn đông lạnh ở chợ Phùng Khoang đã phớt lờ cái kho mát, đổ hàng hóa thành đống để bày bán như rau cỏ. Câu hỏi là: Cơ quan chức năng đang ở đâu?

Lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội, phân trần: Nếu quản lý một cơ sở thì rất tốt, nhưng để quản lý 1.000 cơ sở thì khó hơn rất nhiều. Con người đâu ra để quản lý? Giết mổ nửa đêm mới giết, chợ đầu mối rạng sáng mới hoạt động, địa bàn rất rộng nên không thể có đủ con người đi đêm đi hôm.

Dần dần, chúng ta phải phát triển chăn nuôi lớn, giết mổ tập trung và kinh doanh qua hệ thống siêu thị để giảm đầu mối quản lý. Kinh tế phát triển đến đâu thì các điều kiện khác phát triển theo đến đó, chứ đòi hỏi ngay thì cơ quan quản lý Nhà nước phải cần rất nhiều con người. Mà như thế lại mâu thuẫn với chủ trương tinh giản biên chế.

Trước mắt, ngành nông nghiệp, y tế và công thương, thậm chí cả công an các quận, huyện phối hợp chặt chẽ để yêu cầu các xã, phường, thị trấn quản lý các chợ đảm bảo VSATTP trong kinh doanh; riêng với sản phẩm đông lạnh, phải bố trí một khu tách biệt, chỉ người nào có đủ thiết bị hoặc phương tiện bảo quản sản phẩm mới được buôn bán.

“Hỏa mù” tim lợn

Về thông tin một số gian thương trà trộn hoặc “hô biến” tim đông lạnh nhập khẩu giá rẻ thành tim tươi để bán chênh lệch giá gấp nhiều lần, đại diện Chi cục Thú y Hà Nội khẳng định là “không có chuyện đó”.

17-35-54_nh-3
Tim đông lạnh được bảo quản trong túi ni lông, và hộp bìa các tông, không hề có đá hoặc vật dụng làm mát

Bởi, màu sắc của quả tim đã qua cấp đông ở nhiệt độ -18oC không giống với quả tim tươi sống, mới được đưa ra từ cơ sở giết mổ, có thể nhận biết bằng mắt thường. Và, đa số sản phẩm tim đông lạnh được bán với số lượng lớn ở chợ đầu mối để đẩy vào các khu công nghiệp, nhà hàng lớn hoặc bếp ăn tập thể, ít khi xé lẻ để bán cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của PV cho thấy, nếu không đặt quả tim tươi gần quả tim đông lạnh thì rất nhiều người khó có thể phát hiện bởi hai lý do. Thứ nhất, họ chưa bao giờ được đọc, nghe, xem về thông tin có loại tim lợn đông lạnh nhập khẩu rẻ đến vậy. Thứ hai, khi bổ đôi quả tim ra, màu sắc quả tim sau khi rã đông, làm mềm vẫn khá bắt mắt, trái với ý nghĩ của họ rằng, sản phẩm tim rởm phải có mùi ôi, thâm đen.

“Theo Sở Công thương Hà Nội, số lượng thực phẩm tiêu thụ qua kênh siêu thị và khách sạn mới chỉ chiếm 10 – 20%. Còn lại phần lớn là tiêu thụ ở chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tạm, chợ cóc, phần lớn không đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm đông lạnh”, ông Đảng chia sẻ.

Sau khi những “tiết lộ động trời” của một số dân buôn tim lợn chuyên nghiệp về mánh khóe “hoán cải” sản phẩm tim đông lạnh thành tim tươi, chị Hoàng Thị Mỹ Hạnh, một giáo viên mầm non ở quận Ba Đình (Hà Nội) còn liên lạc với tòa soạn, hỏi số điện thoại của PV để kiểm chứng thông tin. Chị tỏ ra vô cùng lo ngại, bởi tim lợn là thức ăn thường xuyên của gia đình mình, cũng là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ và bà mẹ sau sinh.

“Quá kinh hoàng, chỉ thêm một chút tiết vào là hàng đông lạnh lại được bán như hàng tươi sống. Bỏ tiền ra mua đồ mà cái gì cũng có nguy cơ bị làm giả, kém chất lượng... Người mình lại hại người mình thôi. Không lẽ dân Việt cứ nơm nớp mà dùng những thực phẩm như vậy. Tôi sẽ phổ biến rộng rãi để người thân và phụ huynh học sinh hết sức cảnh giác”, chị Hạnh nói.

Theo tiết lộ của anh Phùng Văn Th, đầu bếp một nhà hàng uy tín tại khu vực chợ Thành Công, ít nhất 90% các quán cơm bình dân, cơm văn phòng và quán nhậu trên địa bàn Hà Nội sử dụng tim đông lạnh nhập khẩu để chế biến. Các món ăn phổ biến là cháo tim, tim xào cần tỏi, tim xào giá đỗ...

Tuy hạn sử dụng của các sản phẩm nội tạng động vật đông lạnh lên tới 18 – 24 tháng, nhưng nếu để ngăn đá tủ lạnh của bếp ăn thì vài tháng là bốc mùi. Bên cạnh đó, điện đóm phập phù, không thể để lâu được. Vì thế, không phải cứ còn hạn sử dụng là hàng vẫn đảm bảo an toàn.

Bà Đông, một cán bộ về hưu, hiện đang phụ trách bếp ăn cho một cơ quan đơn vị sự nghiệp tại quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Nhà tôi ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính nên sáng sớm tạt qua chợ Nhân Chính mua thực phẩm. Lạ ở chỗ, quầy thịt bán lẻ (bán với số lượng ít) nào cũng có 3 – 4 quả tim. Giờ biết thông tin này, tôi phải chắc chắn tới 80% - 90% đó là tim đông lạnh trá hình”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.