![z4000006536403_6024d54e74939efcaabcc8495b412ce3-111034_512.jpg Khu di tích Rộc Tưng - Gò Đá ở Thị xã An Khê.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2022/12/30/z4000006536403_6024d54e74939efcaabcc8495b412ce3-111034_512.jpg)
Khu di tích Rộc Tưng - Gò Đá ở Thị xã An Khê.
Ngày 29/12, thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định công nhận Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) là di tích Quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, bộ rìu tay được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Ngoài di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá còn có các di tích khác gồm: Di tích khảo cổ Văn hoá Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi); Di tích kiến trúc nghệ thuật Cụm đình Hương Canh, H. Bình Xuyên (Vĩnh Phúc); Di tích lịch sử Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, H. Nam Đàn (Nghệ An); Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).
Theo quyết định được công nhận, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng tại Điều 1 của Quyết định này trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê được phát hiện từ năm 2014. Chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm khoa học CHLB Nga) tiếp tục có những phát hiện gây chấn động về quần thể di tích Rộc Tưng - Gò Đá.
![z4000007540575_bbaf00bacb519efad5ac5975031750e7-111119_956.jpg Nhiều hiện vật từ quần thể di tích Rộc Tưng - Gò Đá đã được đem ra trưng bày.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2022/12/30/z4000007540575_bbaf00bacb519efad5ac5975031750e7-111119_956.jpg)
Nhiều hiện vật từ quần thể di tích Rộc Tưng - Gò Đá đã được đem ra trưng bày.
Năm 2018, cuộc khai quật mở rộng nhóm di tích Rộc Tưng - Gò Đá được Viện Khảo cổ học phối hợp với Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm khoa học CHLB Nga) và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Gia Lai thực hiện đã ghi nhận ở thung lũng An Khê tồn tại một cộng đồng cư dân cổ. Niên đại của các di tích ở An Khê đã dần được khẳng định với các chứng cứ về địa tầng, loại hình di vật và kết quả phân tích bằng phương pháp K/Ar các mảnh thiên thạch cho thấy loài người đã sinh sống cách đây trên dưới 800.000 năm.
Nhiều hiện vật khai quật từ quần thể di tích Rộc Tưng - Gò Đá đã được đem ra trưng bày, đồng thời khu vực di tích cũng được ngành chức năng và địa phương quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Và với hàng ngàn hiện vật khai quật được, các nhà nghiên cứu đã có nhận định bước đầu rằng: So với di tích sơ kỳ khác ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, kỹ nghệ đá cũ An Khê còn có một số nét cổ xưa hơn.