| Hotline: 0983.970.780

'Rộng cửa' cho học sinh rớt lớp 10 công lập

Thứ Bảy 15/08/2020 , 06:35 (GMT+7)

Nhiều em học sinh rớt lớp 10 công lập đã lựa chọn việc vừa học văn hóa vừa học nghề để hướng đến tương lai với ngành nghề mình yêu thích, đúng sở trường.

Giờ học của cô trò lớp 9 trên địa bàn TP.HCM.

Giờ học của cô trò lớp 9 trên địa bàn TP.HCM.

Theo một số học sinh “đi trước”, lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo TP.HCM, học sinh không đậu vào lớp 10 trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua không nên quá lo lắng vì hiện nay hệ thống trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), trung cấp nghề trên địa bàn đều đáp ứng đủ chỗ học cho các em. Cơ sở tuyển sinh của các đơn vị dựa trên xét học bạ tốt nghiệp THCS của học sinh.

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm 2020. Chỉ tiêu tuyển sinh là 66.520 học sinh, có 82.269/96.697 học sinh đăng ký dự thi tuyển, như vậy sẽ có 15.749 học sinh rớt lớp 10 công lập.

Là học sinh “đi trước”, Trịnh Minh Phúc, học sinh lớp 11 Trường THCS-THPT Hoa Sen (quận 9) chia sẻ: “Học lớp 10 công lập không phải là con đường duy nhất để có thể học tiếp, học lên cao. Mà rớt lớp 10 công lập cũng không phải “cánh cửa” học tập sẽ đóng lại.

Thay vào đó, dựa trên năng lực, hoàn cảnh gia đình, các bạn học sinh tốt nghiệp lớp 9 nên lựa chọn con đường học tập tiếp theo phù hợp. Có thể đăng ký học tại hệ thống trường phổ thông ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX, trung cấp nghề,….”.

Bản thân Minh Phúc từng rớt lớp 10 công lập năm 2018. Sau đó, Phúc chọn trường phổ thông ngoài công lập để học và luôn đạt thành tích cao.

Năm học vừa qua, Phúc và nhóm bạn đã giành huy chương Vàng môn STEM (môn học kết hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học - PV) Kỳ thi Olympic 30-4 của Thành phố. Để có được kết quả này, nhờ vào môi trường giáo dục toàn diện kiến thức, kỹ năng kết hợp với thực hành được nhà trường chú trọng.

Trên thực tế, chất lượng giáo dục đào tạo của hệ thống các trường này được ngành GD-ĐT TP.HCM đánh giá đã nâng cao về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình cũng như phương pháp giảng dạy.

Ngoài chương trình giảng dạy theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, hiện nay nhiều trường còn đẩy mạnh giáo giáo dục STEM giúp học sinh có cơ hội ứng dụng lý thuyết vào thực hành. Lấy chương trình tiếng Anh làm nền tảng trong giao tiếp, cũng như đưa tin học vào giảng dạy, tạo nền tảng cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đặc biệt, các trường đã quan tâm giáo dục kỹ năng sống tạo hành trang vững chắc cho các em vào đời.

Giờ thực hành của học sinh trung cấp nghề.

Giờ thực hành của học sinh trung cấp nghề.

Bà Nguyễn Đặng An Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, những năm gần đây các trường ngoài công lập có những bước tiến rất tốt và chất lượng ngày càng được nâng cao, tạo uy tín trong lòng phụ huynh, học sinh, xã hội.

Tương tự, các trung tâm GDNN-GDTX gần đây cơ tỉ lệ kết quả học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ 85-90%, có những trung tâm đạt 100% mặc dù đầu vào không lựa chọn.

“Từ thực tế này cho thấy, nếu không học lớp 10 công lập, hay rớt lớp 10 công lập, các em vẫn có thể đăng ký học ở hệ thống trường, các trung tâm. Tại đây, chương trình giáo dục đào tạo tương tự chương trình phổ thông công lập.

Sau ba năm học, học sinh cũng được thi tốt nghiệp, nhận bằng cấp, xét vào cao đẳng hoặc đại học như nhau. Cơ sở tuyển sinh của các đơn vị đều dựa trên xét học bạ tốt nghiệp THCS của học sinh”, bà An Long chia sẻ.

Ở góc độ đào tạo nghề, ông Trần Anh Tuấn, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng, học sinh lớp 9 nếu không đủ năng lực học tiếp trung học phổ thông thì nên lựa chọn một ngành nghề phù hợp để học. Thời gian đào tạo hai năm, học sinh sớm tốt nghiệp ra trường đi làm vừa có thu nhập, vừa giúp đỡ được gia đình.

Mặt khác, hệ thống trường nghề cũng kết hợp đào tạo văn hóa, đáp ứng cho học sinh có nhu cầu học liên thông lên cao đẳng, đại học.

“Hiện nay, vấn đề đặt ra đối với lao động không phải bằng cấp đại học hay trung cấp vì có nhiều trường hợp tốt nghiệp đại học cũng thất nghiệp. Điều quan trọng là lao động đáp ứng tốt kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cũng như tác phong nghề nghiệp. Điều này đòi hỏi trong quá trình học tập, học sinh phải biết nắm bắt thời cơ học tập, rèn luyện bản thân”, ông Tuấn chia sẻ.

Hiện TP.HCM có 6 trung tâm GDTX cấp thành phố; 24 trung tâm GDNN - GDTX thuộc 24 quận, huyện. Bên cạnh đó, có hơn 90 trường THPT ngoài công lập, gần 70 trường trung cấp nghề.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tổng chỉ tiêu mà hệ thống này tuyển là hơn 30.000 chỗ. Tức là các em học sinh sẽ thuận tiện trong việc lựa chọn nơi học phù hợp sau THCS.

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.