PGS. TS Phan Kế Long - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho biết, mẫu vật rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đông Mô sẽ được bàn giao về Bảo tàng thiên nhiên để bảo quản trong phòng lạnh -20 độ C vào chiều 24/4.
PGS.TS Kế Long cho biết, phòng lạnh âm sâu là môi trường tốt nhất cho việc bảo quản xác rùa, nhằm phục vụ cho chế tác hoặc nghiên cứu về DNA, cấu trúc di truyền sau đó.
Hiện vẫn cần phải đợi kết quả DNA để khẳng định chắc chắn, nhưng dựa vào hình thái, ông Long cho rằng, đây là rùa Rafetus swinhoei (hay còn gọi rùa Hoàn Kiếm).
Lãnh đạo Bảo tàng thiên nhiên còn cho biết, dựa theo kinh nghiệm với mẫu rùa Hồ Gươm trước đó nên làm phương pháp xử lý xác rùa làm tiêu bản. Thực tế có một số phương pháp xử lý mẫu vật như bảo quản ướt.
Tuy nhiên việc trưng bày ngâm trong dung môi sẽ gây ra hiện tượng cháy nổ, ngâm trong cồn hay ngâm phoóc-môn sẽ không đẹp và bị mất màu.
"Hiện phương pháp nhựa hóa là tối ưu nhất với loài không vây, không vảy này", ông Long chia sẻ.
Hiện tại, mẫu vật rùa này vẫn đang được bảo quản trong phòng lạnh tại Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và chờ phương án xử lý từ UBND Tp Hà Nội.
Được biết, trước khi rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đông mô chết vào sáng 23/4, con vật này có chiều dài 1,56 m và nặng 93 kg. Các nhà nghiên cứu vẫn đang xác định độ tuổi và nguyên nhân chết của rùa.
Rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei) được mô tả lần đầu năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này.
Rùa Hoàn Kiếm hiện còn bốn con, trong đó hai con ở Trung Quốc, một ở hồ Đồng Mô và một ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội). Con rùa Rafetus Swinhoei duy nhất sống ở Hồ Gươm đã chết tháng 1/2016.
Rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được các nhà bảo tồn của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á phát hiện lần đầu năm 2007. Một năm sau, trong trận lụt lịch sử của Hà Nội, nó lọt ra ngoài hồ và bị ngư dân bắt. Nhờ sự vận động của cơ quan chức năng và giới bảo tồn, rùa được đưa lại hồ, theo dõi đến nay.