Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng nhiều lãnh đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương, đại sứ quán một số nước và lãnh đạo các địa phương tham dự.
Đây là lần thứ 10, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ được tổ chức và là sự kiện được tổ chức thường niên, đã trở thành Lễ hội truyền thống đặc trưng, là niềm tự hào của người dân Hải Phòng.
Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật “Hải Phòng – Tỏa sáng miền cửa biển” tổ chức từ 20h00’ ngày 13/5 tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng với nội dung đổi mới và sáng tạo, sân khấu hiện đại, ekip đạo diễn, nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam.
Chương trình Đêm hội có tổ chức bắn pháo hoa nổ tầm thấp kéo dài 15 phút tại khu vực nhà hát thành phố sau khi kết thúc chương trình nghệ thuật.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, thành phố Cảng đặc biệt coi trọng giá trị văn hóa và đời sống tinh thần của người dân, vì là động lực, là sức mạnh nội sinh, là mạch nguồn của mọi sự phát triển.
Lễ hội Hoa Phượng Đỏ đã được tổ chức từ năm 2012, vào dịp lễ hội hàng năm có hàng trăm sự kiện thực hiện, đã để lại những dấu ấn rất tốt đẹp trong nhân dân thành phố và du khách.
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Hải Phòng, nhìn lại lịch sử, Hải Phòng là nơi “đầu sóng ngọn gió”, là “phên dậu phía Đông” để bảo vệ tổ quốc. Người dân Hải Phòng luôn tự hào về truyền thống “trung dũng quyết thắng”.
Truyền thống đó được minh chứng từ thời Nữ tướng Lê Chân khai hoang - lập trang An Biên, nay là Hải Phòng, tới dòng sông Bạch Đằng lịch sử, gắn liền với nhiều chiến công hiển hách và oanh liệt của cha ông ta, để giành độc lập cho dân tộc.
Những năm đầu của thế kỷ 20, Hải Phòng là chiếc nôi hình thành giai cấp công nhân Việt Nam, là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn là “điểm cầu” để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin về nước ta.
Trong những năm kháng chiến cứu nước, Hải Phòng tiếp tục là địa phương “đi trước về sau”, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương.
Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Hải Phòng là địa phương có nhiều đột phá, nên đã gợi mở và góp phần với Trung ương ban hành Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 về “khoán trong nông nghiệp”.
Các năm gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và xung đột ở châu Âu, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng vẫn ở mức cao, bình quân 7 năm liền GRDP đạt 13,2%/năm.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các năm gần đây luôn được xếp trong tốp đầu của cả nước, công tác chuyển đổi số được quan tâm đặc biệt.
Hải Phòng đã và đang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng để mở rộng không gian kinh tế; mở rộng đô thị hướng biển và di chuyển trung tâm Chính trị - Hành chính về phía Bắc Sông Cấm vào năm 2025.
Bên cạnh đó, thành phố Cảng đang là địa phương đi đầu trong việc giải quyết chung cư cũ, đang phấn đấu đi đầu về phát triển nhà ở xã hội và tích cực xây dựng xã và huyện nông thôn mới kiểu mẫu, các tiêu chí tiếp cận với đô thị và cũng sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Hải Phòng tiếp tục đi đầu về công tác chăm lo cho các gia đình có công với cách mạng, hỗ trợ người nghèo, miễn học phí cho các bậc học và có nhiều hỗ trợ khác rất thiết thực cho nhân dân.
Những kết quả đạt được và mục tiêu đã đề ra cùng với truyền thống lịch sử hào hùng sẽ là động lực quan trọng để Hải Phòng phấn đấu vươn lên đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và thực sự “trở thành động lực phát triển của cả nước”.
Bên cạnh chương trình đêm hội còn có 31 sự kiện tiêu biểu và 97 hoạt động hưởng ứng về kinh tế (khởi công, khánh thành...) văn hóa, thể dục thể thao, du lịch diễn ra tại khu vực dải trung tâm thành phố, trung tâm các quận, huyện, thị trấn được thực hiện không chỉ bởi các đơn vị của thành phố mà còn lan tỏa và có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.