Gần 300 giò lan rực rỡ đua sắc
Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa chào mừng 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tại sân nhà lưu niệm Bạch Công Tử rực rỡ sắc màu và hương thơm của các loài hoa lan khắp nơi hội tụ về tham dự Hội thi hoa phong lan TP Mỹ Tho (gọi tắt là Hội thi hoa lan) mở rộng năm 2024.
Hội thi do Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Mỹ Tho phối hợp cùng Câu lạc bộ (CLB) Hoa lan Sông Tiền tổ chức. Hội thi thu hút các hội, CLB hoa lan, người chơi, nuôi trồng hoa lan cùng hàng trăm nhà vườn mang theo những tác phẩm hoa lan đặc sắc đến từ 17 tỉnh thành khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ, TP.HCM, miền Trung, Tây Nguyên.
Ông Hồ Hữu Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Mỹ Tho, Trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết, Hội thi nhằm tạo sân chơi sinh vật cảnh bổ ích cho những người yêu hoa lan và các tầng lớp nhân dân. Đây còn là dịp để những người yêu hoa lan trong và ngoài tỉnh giao lưu hợp tác, thưởng thức, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, cùng kết nối, tạo dựng sân chơi sinh vật cảnh theo hướng phát triển kinh tế du lịch, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng đô thị đang thịnh hành hiện nay.
Đến với Hội thi và triển lãm hoa lan lần này, ai cũng trầm trồ khen ngợi trước vẻ đẹp rực rỡ của gần 300 giò lan đang độ nở hoa, khoe sắc, tỏa hương thơm. Các giò lan được Ban tổ chức chia làm 6 nhóm tranh giải gồm: Lan Cattleya Tem, cattleya lai, lan kiếm thân thủ, dendro chớp, hoa lan tổng hợp, lan lá kẻ. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 30 giải khuyến khích, 18 giải ba, 12 giải nhì và 6 giải nhất.
Trong khuôn khổ Hội thi còn diễn ra phiên đấu giá 2 cây lan Tây Thi và Cam Danh Trần do 2 nghệ nhân tặng để gây quỹ cho Hội chơi lan và Hội thi hoa lan. Ngoài ra, vườn lan đoạt giải còn tặng toàn bộ giải thưởng cho CLB hoa lan Sông Tiền và Ban tổ chức để phát triển các mô hình trồng lan.
Trồng hoa lan phù hợp với xu hướng nông nghiệp đô thị
Tại Hội thi, ông Bùi Văn Ngọc, một nghệ nhân chơi lan nổi tiếng trên mạng xã hội với các clip hướng dẫn trồng và chăm sóc hoa lan chia sẻ, những năm gần đây, thú chơi hoa và cây cảnh, đặc biệt là hoa lan trở nên phổ biến. Thú vui tao nhã này thu hút nhiều người chơi ở nhiều ngành nghề bởi việc đam mê học hỏi vun trồng, chăm sóc và thưởng thức hoa lan đã mang đến cảm giác thư thái, bình yên.
Ông Ngọc cũng cho hay, giá hoa lan hiện nay cũng khá rẻ nhờ kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp cấy mô, nuôi trồng trong nhà lưới. Vì vậy, ai cũng có thể sở hữu một giò lan từ vài chục ngàn đồng để chơi.
Cũng theo ông Tám Ngọc, khí hậu ở ĐBSCL khá thích hợp cho việc nuôi trồng hoa lan. Cây lan không cần nhiều đất nhưng phải biết kỹ thuật chăm sóc. Các clip ông chia sẻ trên mạng xã hội ai xem cũng có thể học theo để giúp cây phát triển nhanh, ra hoa và có thể bán cây lan giống, một cành hoa hoặc một tác phẩm.
“Thái Lan là nước có ngành trồng hoa lan phát triển, đem lại thu nhập cho người dân. Thu nhập từ hoa lan có thể gấp nhiều lần so với trồng lúa, hoa màu… Khí hậu ở Thái Lan nóng hơn nhiều so với khu vực ĐBSCL nhưng hoa lan vẫn phát triển được. Vùng nào không trồng được lúa, cây ăn trái thì chuyển đổi trồng lan”, ông Tám Ngọc cho biết thêm:
Dịp lễ 2/9 năm nay, Hội thi hoa phong lan đã diễn ra ở Cần Thơ, An Giang và ở thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Các hội thi tạo điều kiện thúc đẩy phong trào trồng và chơi hoa lan bền vững. Đây là mô hình rất phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp đô thị, có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.
Mấy sào lan cho thu nhập hơn cả ha cà phê, dâu tằm
Từ xưa đến nay, hoa lan được biết đến là loài hoa quý phái, hoa của những bậc vương giả. “Vua chơi lan, quan chơi trà”, thú vui xưa chỉ dành riêng cho tầng lớp vua quan, quý tộc nay đã được phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân.
Chơi phong lan không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là nghề mang lại thu nhập khá cho không ít người thực sự đam mê. Đa số các nghệ nhân tham gia Hội thi có thu nhập ổn định từ nghề trồng hoa lan. Nhiều người đã có cơ sở sản xuất lan giống bán khắp cả nước.
Chị Vũ Thị Thu, một nghệ nhân tham gia Hội thi đoạt 7 giải tại Hội thi diễn ra ở thành phố Cần Thơ và 7 giải thưởng ở hội thi lần này tại thành phố Mỹ Tho cho biết, quê chị ở tỉnh Lâm Đồng, trước đây chị trồng cà phê, dâu tằm thu nhập cũng vừa đủ trang trải cuộc sống.
Yêu thích vẻ đẹp của hoa lan, chị mua vài chậu để chơi, rồi đam mê lúc nào không hay và đã dành ra vài sào đất để trồng lan. Chị học cách trồng từ sách báo và những người thân quen. Rồi chị khởi nghiệp với nghề trồng cây lan. Không ngờ thu nhập từ vài sào lan còn hơn cả vài ha cà phê hay dâu tằm. Hiện nay, nhờ mấy sào lan mà gia đình chị có cuộc sống ổn định, các con được ăn học đàng hoàng.
Giờ đây, chị thường xuyên tham gia các hội thi để trải nghiệm, học hỏi và tìm đầu ra cho lan. Chị cùng con gái và con rể lập vườn lan Thanh Thảo bán lan khắp cả nước. Tuy nhiên, chị mong mỏi hoa lan Việt Nam, đặc biệt là giống lan hài được xuất khẩu đi các nước. Trồng lan, bán lan và thú chơi lan sẽ tiếp tục phát triển nếu được đầu tư đúng mức từ kỹ thuật, nguồn vốn.