| Hotline: 0983.970.780

Mở hướng sản xuất hoa lan hồ điệp

Thứ Sáu 30/08/2024 , 08:10 (GMT+7)

Nhu cầu tiêu dùng hoa lan hồ điệp ở nước ta rất lớn nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả cho biết, nhu cầu tiêu dùng hoa lan hồ điệp ở nước ta rất lớn (khoảng 18 triệu cây/cành mỗi năm) nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Nguyên nhân do sản xuất hoa lan hồ điệp cần lượng vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài và chưa có sự liên kết sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng/miền để nâng cao năng suất, chất lượng hoa, hạ giá thành sản phẩm. Mặt khác, để sản xuất thành công loại hoa này, người lao động phải qua đào tạo nghề. Đây là lĩnh vực nước ta làm chưa tốt.

Khu nhân giống hoa lan hồ điệp tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả). Ảnh: Hải Tiến.

Khu nhân giống hoa lan hồ điệp tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả). Ảnh: Hải Tiến.

Cũng theo TS Đông, để sản xuất hoa lan hồ điệp có hiệu quả, nhà đầu tư phải xây dựng tối thiểu 500m2 nhà kính với chi phí từ 800 triệu đồng trở lên, còn để sản xuất hoa lan hồ điệp đạt hiệu quả cao, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 3,5 tỷ đồng để xây dựng 1.000m2 nhà kính cùng các loại vật tư và hệ thống điện máy kèm theo. Ngoài ra còn phải biết tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ tốt và có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề.  

TS Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau Quả) phân tích, tại Việt Nam, Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế cho phát triển trồng lan hồ điệp bởi giao thông đi lại thuận tiện, quỹ đất cho sản xuất còn dồi dào, có nguồn lao động đã quen với trồng thâm canh các loại hoa và cây cảnh, bao gồm các loại hoa cao cấp nên dễ dàng cho thuê mượn nhân công khi cần.

Đặc biệt, địa phương này còn có thể sản xuất được hoa lan hồ điệp quanh năm nhờ có thời tiết, khí hậu ôn hoà, ít xẩy ra mưa bão lớn, có thời gian mặt trời chiếu sáng trong ngày dài, cường độ ánh sáng cao, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn (ban ngày dao động từ 25 - 30 độ C, về đêm xuống thấp còn 16 - 19 độ C), rất phù hợp cho cây lan hồ điệp hoàn thành chu kỳ sinh trưởng, nhất là quá trình sinh trưởng sinh thực từ phân hoá ngồng hoa đến thu hoạch.

Hoa lan hồ điệp sản xuất quanh năm tại mô hình của anh Lê Văn Luân ở xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng). Ảnh: Hải Tiến.

Hoa lan hồ điệp sản xuất quanh năm tại mô hình của anh Lê Văn Luân ở xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng). Ảnh: Hải Tiến.

Nhờ có khí hậu ôn hoà, riêng việc đầu tư xây dựng nhà kính cho trồng hoa lan hồ điệp ở Lâm Đồng đã giảm được gần 50% kinh phí so với các tỉnh ngoài Bắc, vì miền Bắc hay xảy ra mưa bão lớn, phải làm nhà kính thật vững chắc nên chi phí tăng cao. Đây là yếu tố có ý nghĩa rất lớn với những người khởi nghiệp. Lợi thế về biên độ nhiệt ngày - đêm lớn, thời gian chiếu sáng dài, cường độ ánh sáng cao sẽ giúp hoa lan hồ điệp sinh trưởng khoẻ, cành hoa phát triển dài, màu sắc hoa đẹp không thua kém hoa lan hồ điệp nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc).

Ở các tỉnh miền Bắc, để sản xuất được hoa lan hồ điệp phải dùng công nghệ cao điều khiển toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hoa, rất tốn vật tư và điện năng cho vận hành hệ thống máy móc trong nhà kính, tăng chi phí đầu tư, tăng giá thành sản xuất hoa, giảm khả năng cạnh tranh, nhất là cạnh tranh với hoa lan hồ điệp nhập khẩu.

Mô hình liên kết sản xuất hoa lan hồ điệp của anh Lê Văn Luân ở Đơn Dương (Lâm Đồng). Ảnh: Hải Tiến.

Mô hình liên kết sản xuất hoa lan hồ điệp của anh Lê Văn Luân ở Đơn Dương (Lâm Đồng). Ảnh: Hải Tiến.

Miền Bắc cũng có một số vùng sinh thái thuận lợi cho trồng lan hồ điệp như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), nhưng mùa đông ở các địa phương này lại rất lạnh, nhiều ngày nhiệt độ không khí xuống mức 13 độ C, thậm chí xuống tới 5 độ C, không thể sản xuất được lan hồ điệp quanh năm.

Tuy nhiên ở miền Bắc vào mùa hè nền nhiệt độ không khí khá cao, thuận lợi cho cây lan hoàn thành quá trình sinh trưởng sinh dưỡng (từ sau nuôi cấy mô tới trước phân hoá ngồng hoa), giúp giảm chi phí điện năng vận hành hệ thống máy móc. Đặc biệt, tại miền Bắc còn tự sản xuất được cây giống lan hồ điệp và nhu cầu tiêu dùng loại hoa này cũng cao hơn đáng kể so với các tỉnh phía Nam.

Từ các nghiên cứu, phân tích trên, TS Nguyễn Văn Tỉnh khuyến cáo, để trồng lan hồ điệp đạt hiệu quả cao, cạnh tranh tốt với sản phẩm cùng loại nhập ngoại, phải tiến hành liên kết sản xuất và bao tiêu giữa các vùng, miền.

Cụ thể, nên liên kết giữa các tổ chức hoặc cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với các nông hộ/doanh nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng hoặc Trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, mô hình liên kết trồng lan hồ điệp của anh Lê Văn Luân ở xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) là một trong những minh chứng nổi bật.

Cây giống lan hồ điệp 12 tháng tuổi trồng thêm 8 tháng trong nhà kính sẽ cho thu hoạch hoa. Ảnh: Hải Tiến.

Cây giống lan hồ điệp 12 tháng tuổi trồng thêm 8 tháng trong nhà kính sẽ cho thu hoạch hoa. Ảnh: Hải Tiến.

Được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ Viện Nghiên cứu Rau quả, anh Luân đã đầu tư xây dựng 3.000m2 nhà kính công nghệ cao rồi nhập cây giống 12 tháng tuổi từ các tỉnh miền Bắc về nuôi trồng tới thu hoạch, sau đó xuất bán sản phẩm trở lại thị trường các tỉnh phía Bắc. Nhờ đó mỗi năm anh Luân xuất vườn được hơn 100.000 cây lan hồ điệp, doanh thu 10 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt 25 - 30%. Đáng chú ý, bên cạnh tạo ra sản lượng lớn hoa lan hồ điệp vào các dịp Tết Nguyên đán, mô hình còn sản xuất đáp ứng nhu cầu tiều dùng loại hoa này cho thị trường quanh năm.

Nói về đặc điểm hoa lan hồ điệp nhập ngoại, TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) đánh giá, lan hồ điệp Trung Quốc thường có giá khá rẻ, đẹp, cuốn hút khách mua ngay từ khi mới thoáng nhìn bởi dùng nhiều thuốc kích thích sinh trưởng, thúc cho cây phát triển nhanh, nở hoa sớm, rút ngắn thời gian từ trồng đến thu hoạch từ 20 tháng xuống còn 16 - 18 tháng nên giảm được chi phí điện năng và công lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên hoa lan hồ điệp nhập khẩu có nhược điểm độ bền sử dụng thấp, nhanh xuống sắc, các nụ hoa không nở hết, nhất là những nụ hoa ở ngọn cành hay bị mù vì chiều dài đường vận chuyển từ các vựa sản xuất lan hồ điệp về Việt Nam cần 3 - 5 ngày. Trong quá trình vận chuyển đó, cây hoa phải bao gói đóng hộp, xếp trong container, chất lượng bị suy giảm.

Trong khi đó, hoa lan hồ điệp sản xuất ở Lâm Đồng vận chuyển bằng máy bay trong ngày đã tới các vị trí tập kết cung ứng cho người tiêu dùng nên chất lượng hoa luôn tốt hơn hoa nhập khẩu. 

"Một cành/cây lan hồ điệp đẹp, gốc cây phải có nhiều rễ, lá xanh dày, láng bóng, không tỳ vết sâu bệnh, trên cành có nhiều bông hoa và nụ hoa, trong đó có 2/3 số bông hoa đã nở, cánh hoa phải dày và đẹp, mang màu đặc trương của giống, độ bền chơi hoa kéo dài từ 2 tháng trở lên, đồng thời các nụ hoa trên cành đều phải nở hết, và phải được người tiêu dùng ưa chuộng", TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) phân tích.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.