| Hotline: 0983.970.780

Ruộng đồng lênh láng nước mặn

Thứ Tư 16/01/2019 , 09:50 (GMT+7)

Vùng ven biển thuộc các huyện Tuy An, Đông Hòa (Phú Yên) đang bị xâm nhập mặn, có nơi chưa thể sạ lúa đông xuân. Đợt mưa lụt cuối tháng 12/2018 trùng với lịch đầu vụ gieo sạ khiến nhiều diện tích lúa bị hư hại.

Nước mặn lấn sâu

Những ngày qua, trên cánh đồng Cây 2, đồng Tiệm (xã An Ninh Đông, Tuy An) bị nước mặn lấn sâu khiến cho cánh đồng rộng 40ha gặp khó trong việc sạ lúa. Nông dân Bùi Thị Nhị than vãn: Mấy ngày qua, nước biển tràn qua cống ngăn mặn đổ vào ruộng. Cánh đồng này đến nay chưa thể sạ lại.

09-44-46_1
Nước mặn lênh láng trên cánh đồng An Ninh Đông (huyện Tuy An)

Hiện nước mặn tràn bờ. Ông Phan Xuân Quốc làm ruộng ở đây cho rằng, qua tết nước mặn rút bớt thì mới sạ, còn sạ bây giờ lúa non không sống nổi.

Đến thời điểm này, khu vực ruộng Gò Bùn - vùng trũng nhất của Đồng Mây thuộc xã An Cư (huyện Tuy An), nước mặn vẫn còn ngập lênh láng. Vùng này năm nào nước mặn cũng tràn vào ngập úng, nông dân phải sạ đi, sạ lại.

Để đối phó với tình trạng này, bà con sạ dày nhằm trừ hao khi lúa bị ngập mặn và bơm nước ngọt rửa mặn. Tuy nhiên, khi nước rút, nước ngọt trong kênh “đứt”, không thể rửa mặn, lúa trong ruộng còn thưa thớt phải tốn công cấy dặm. Theo nhiều người dân làm ruộng ở xã An Cư, vụ đông xuân năm nào cánh đồng Đồng Mây, Gò Bùn cũng phải sạ đi, sạ lại nhiều lần. Có năm cây lúa cao gang tay bị nước mặn tràn vào làm lụi dần.

Tương tự, ở cánh đồng Bầu Bèo, Đồng Năng thuộc xã An Hòa (Tuy An), nông dân cũng vất vả sạ lại bởi ruộng nhiễm mặn. Ông Phan Văn Minh ở thôn Tân An (xã An Hòa) cho hay: Cánh đồng này trước khi sạ lúa phải xả nước mặn ra kênh chứa nước mặn rồi bơm nước ngọt từ kênh chứa nước ngọt vào rửa mặn, phóng phèn mới sạ. Tuy nhiên hiện kênh chứa nước mặn, mực nước còn cao hơn mặt ruộng nên khó xuống giống.

09-44-46_2
Nước mặn lấn sâu “ăn” lúa ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) lúa ngã bè

Ông Lê Văn Nam, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: Khu vực ruộng nhiễm mặn, bà con đặt máy bơm nước ngọt từ các ao mương vào ruộng để rửa mặn, đồng thời phun thuốc dưỡng nhưng lúa không chịu nổi độ mặn cao, phát triển kém, còi cọc. Phòng NN-PTNT đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục khảo nghiệm nhân rộng diện tích giống lúa chịu mặn trên địa bàn các xã An Cư, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Hòa. Từ đó chọn lọc ra những giống chịu mặn sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao.
 

Giải pháp ngăn mặn

Tại cánh đồng xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), ruộng kề hồ nuôi tôm nên tình trạng nhiễm mặn thường xuyên. Nhiều diện tích nhiễm độ mặn cao làm cho cây lúa yếu ớt, chậm phát triển. Nông dân be bờ thật kỹ ngăn nước mặn thấm vào. Có người dùng nilon phủ bờ ngăn mặn, tuy nhiên có đám xì mặn giữa ruộng làm lúa chết.

Ông Trần Văn Kim, nông dân ở xã Hòa Tâm phân trần: Từ nhiều năm nay, cánh đồng này thường bị nhiễm mặn do nước biển xâm thực. Nhiều diện tích lúa mới sạ bị nước mặn “ăn” ngã rạp. Nông dân bắc mạ đề phòng sau sạ, lúa bị hư từng chòm sẽ cấy dặm lại. Do vùng trũng nên nước mương cũng bị nhiễm mặn, cây lúa không phát triển.

09-44-46_4
Cánh đồng ven biển bị nước mặn lấn sâu

Theo ông Nguyễn Phụng Hoàng, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, giải pháp ngăn mặn, giảm thiểu thiệt hại, ngay từ đầu vụ, các địa phương vận động bà con củng cố bờ bao, cống tiêu, cống ngăn mặn đảm bảo tiêu thoát nước để ngăn mặn xâm nhập sâu. Đối với khu tưới ảnh hưởng thủy triều, thường xuyên kiểm tra độ mặn nguồn nước từ các trạm bơm tưới để kịp thời xử lý.

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, toàn tỉnh hiện có trên 600ha đất nhiễm mặn, tập trung ở các huyện Tuy An trên 300ha, Đông Hòa 200ha, TX Sông Cầu 80ha và TP Tuy Hòa gần 30ha. Các giống lúa đang canh tác tại vùng đất nhiễm mặn không chịu được độ mặn hơn 2‰.

Trong khi đó, các cánh đồng ven biển thì ảnh hưởng triều cường, nước biển dâng, độ mặn lên đến 6‰. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển xâm thực đã làm tăng thêm diện tích lúa bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến cơ cấu sản xuất.

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chọn tạo 3 giống lúa gồm H11, GSR50, GSR65 chịu được mặn, phát triển tốt và cho năng suất cao nhằm nhân rộng sản xuất đại trà.

UBND tỉnh Phú Yên đã có chỉ thị đề nghị các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ động lập phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, hạn chế tác động của thời tiết, thuỷ văn bất thuận đối với sản xuất trồng trọt, chủ động nguồn giống dự phòng.

Theo đó, vùng (xứ đồng) có nguy cơ thiếu nước, xâm ngập mặn cần xây dựng phương án củng cố các bờ bao, cống tiêu, cống ngăn mặn đảm bảo tiêu thoát nước trong thời kỳ gieo sạ, không để mặn xâm nhập sâu đối với các khu tưới có ảnh hưởng thủy triều; có kế hoạch củng cố các đập bổi, đập tạm, đảm bảo kín nước; chủ động khai thác sử dụng nguồn nước tiết kiệm hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu do hạn, xâm ngập mặn gây ra.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.