| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 02/06/2022 , 14:00 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 14:00 - 02/06/2022

Sách giáo khoa không phải thức ăn nhanh

Chất lượng sách giáo khoa nếu chỉ nằm ở giấy đẹp khổ to, thì chất lượng dạy và học được xác định theo tiêu chí nào?

Quá trình xã hội hóa biên soạn và phát hành sách giáo khoa, đã tạo ra nhiều tiếng bấc tiếng chì trong đời sống vài năm nay. Thế nhưng, khi nghe cách lý giải của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, thì công chúng càng thêm chưng hửng và ngỡ ngàng.

Trước sự than phiền của các bậc phụ huynh về giá sách giáo khoa quá cao, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng giá sách giáo khoa tăng gấp hai, gấp ba là do được in giấy đẹp khổ to. Ơ hay, vậy sách giáo khoa được in giấy xấu khổ nhỏ thì có tội tình gì? Chất lượng sách giáo khoa nếu chỉ nằm ở giấy đẹp khổ to, thì chất lượng dạy và học được xác định theo tiêu chí nào?

Xã hội hóa sách giáo khoa cho phép nhiều đơn vị, tổ chức tham gia phục vụ nhu cầu của học đường. Một thị trường cạnh tranh gay gắt đã xuất hiện. Trước mắt, đã thấy sự vận động và sự linh hoạt theo nhiều nghĩa, của những người sở hữu các bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo hoặc Kết nối tri thức với cuộc sống. Do lợi nhuận không nhỏ từ sách giáo khoa, mà quá trình thẩm định cũng không ít thị phi. Ví dụ khôi hài nhất là giữa hội trường có khá đông quan chức và truyền thông, hai vị giáo sư khả kính không ngần ngại hét vào mặt nhau “tôi khinh ông” và “tôi cũng khinh ông”.

Có lợi ích nhóm trong cuộc đổi mới sách giáo khoa không? Chẳng vị lãnh đạo ngành giáo dục nào đủ can đảm trả lời cho mạch lạc, khiến con đường của sách giáo khoa đến tay học sinh lại lắt léo và nhiêu khê hơn. Phụ huynh tùy điều kiện kinh tế có quyền chọn sách giáo khoa giấy xấu khổ nhỏ hay không? Dĩ nhiên không, vì quyết định nằm ở nhà trường. Mỗi năm chọn một bộ sách giáo khoa khác nhau, thì dẫu năm nay cải tiến chương trình các lớp 1, 3, 5, 7 và năm sau cải tiến chương trình các lớp 2, 4, 6, 8, thì sách giáo khoa cũng không thể tái sử dụng.

Sách giáo khoa chỉ dùng một lần và đặt nặng yếu tố giấy đẹp khổ to, thì khác gì thức ăn nhanh? Chỉ có thức ăn nhanh mới chú trọng bao bì sản phẩm mà xem nhẹ chất lượng sản phẩm. Một khi sách giáo khoa được ứng xử như thức ăn nhanh, thì ngành giáo dục hướng đến mục đích đào tạo những con người như thế nào?

Trong guồng quay kim tiền, sách giáo khoa muốn con quạ phải kêu “quà, quà”, liệu đối tượng nhận “quà” là những học sinh thơ ngây, hay những kẻ kinh doanh tinh quái? Lời biện minh sách giáo khoa giá cao do được in giấy đẹp khổ to của Bộ trưởng GD-ĐT, một lần nữa cho thấy sách giáo khoa đang dần rơi vào một thị trường béo bở và ngược ngạo. Sách giáo khoa cần mang tính bền vững, và cần tồn tại như một “pháp lệnh” trang nghiêm cho việc bồi dưỡng những kiến thức khởi đầu của công dân. Nếu thản nhiên xem sách giáo khoa là một loại hàng hóa như thức ăn nhanh, thì cộng đồng sẽ phải đánh cược với một tương lai đầy bất trắc và nhiễu nhương.