Cách đây mươi năm, một tờ báo điện tử đã đăng bài về một cuộc tập trận của Trung Quốc ở Hoàng Sa, có những câu làm tổn hại đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Bị dư luận phản ứng dữ dội, vị Tổng biên tập đã thanh minh rằng những câu đó là do cậu đánh máy... đánh nhầm.
Từ đó, “cậu đánh máy” trở thành cái thùng nước gạo, để tất cả các sếp lớn trút cơm khê, cơm sống, là những sai sót của các văn bản quy phạm pháp luật như vi hiến, vi phạm pháp luật... vào đó. Gần đây nhất là Thông tư số 45/2017 của Bộ GTVT, quy định rằng các giấy tờ có dán ảnh của công dân như thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe... không có giá trị khi làm thủ tục lên máy bay, cũng tại “cậu đánh máy” sau khi bị dư luận phản ứng dữ dội. Vậy “cậu đánh máy” là ai?
Hành khách cần có giấy tờ tùy thân khi đi máy bay. (Ảnh minh họa: Xuân Hoa/VnExpress) |
Đó là anh văn thư, có ở tất cả các cơ quan thời bao cấp, khi mà mỗi cơ quan chỉ có duy nhất một chiếc máy chữ Misa của Liên Xô. Cậu đánh máy có nhiệm vụ biến tất cả các văn bản viết tay thành văn bản đánh máy. Cậu đánh máy không có quyền thêm, bớt bất cứ một chữ nào trong những văn bản viết tay đó. Chữ nào viết tháu, không luận ra được thì phải tìm người thảo mà hỏi. Sai một chữ là bị kỷ luật liền.
Thời buổi công nghệ thông tin này, từ cán bộ, chuyên viên có vị trí thấp nhất đến thủ trưởng cao nhất của mọi cơ quan đều thành thạo sử dụng máy tính. Mọi văn bản đều được soạn thảo trực tiếp trên máy tính, chẳng còn ai thảo văn bản viết tay nữa, nên anh đánh máy thất nghiệp và biến mất ở tất cả các cơ quan. May mắn lắm thì còn gặp một vài anh ở UBND cấp xã vùng sâu, vùng xa, ở biên giới hay hải đảo, vùng dân tộc ít người.
Vì vậy, mọi văn bản quy phạm pháp luật cỡ như Thông tư 45/2017 của Bộ GT-VT hay Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT... đều do những người có trách nhiệm rất cao ở các cơ quan đó soạn thảo trực tiếp trên máy tính, và sau đó phải qua rất nhiều tầng, nấc xem xét, thẩm định, dưới sự điều chỉnh của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đó là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học... để tổng hợp, điều chỉnh sửa chữa trước khi được người đứng đầu cơ quan ký ban hành. Hơn thế nữa, quy trình thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được luật hóa. Làm gì có chỗ cho “cậu đánh máy” chen vào?
Hàng năm, Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp đều chỉ ra hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật vi phạm các lỗi rất ngớ ngẩn như vi hiến, vi phạm hoặc mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác... phải sửa chữa, đính chính. Điều đó cho thấy trình độ soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của ta đang có vấn đề.
Sai thì cứ nhận phắt là sai, rồi sửa chữa cho nó lành. Chứ làm gì còn “cậu đánh máy” nữa mà đổ lỗi.