| Hotline: 0983.970.780

Sân khấu thực cảnh tái hiện khởi nghĩa Lam Sơn oai hùng

Thứ Sáu 06/10/2023 , 14:24 (GMT+7)

Lần đầu tiên, chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh được tổ chức tại Lễ hội Lam Kinh năm 2023 với chủ đề 'Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ'.

Sáng 6/10 (tức ngày 22/8 năm Quý Mão), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2023, kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 590 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Nghi thức rước kiệu đức vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai

Nghi thức rước kiệu đức vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai

Lễ hội Lam Kinh năm 2023 được bắt đầu với nghi thức rước kiệu đức vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai từ đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Đền thờ Trung túc vương Lê Lai về sân rồng chính điện Lam Kinh. Đây được xem là nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, những người có công với đất nước được lưu giữ và thể hiện trong lễ hội Lam Kinh từ nhiều năm qua...

Phần hội của Lễ hội Lam Kinh năm 2023 là chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt với chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ” với sự tham gia của hơn 250 ca sĩ, diễn viên, nghệ nhân, học sinh, sinh viên của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tham dự Lễ hội Lam Kinh.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tham dự Lễ hội Lam Kinh.

Chương trình nghệ thuật đã tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao, sự nghiệp to lớn của người anh hùng áo vải Lê Lợi cùng các tướng sĩ và nhân dân Thanh Hóa nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược; những quyết sách ngoại giao khôn khéo của đức vua Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông trong việc giữ gìn toàn vẹn bờ cõi, ngăn kẻ thù ngoại bang xâm lược.

Tái hiện Hội thề Lũng Nhai bằng thực cảnh. 

Tái hiện Hội thề Lũng Nhai bằng thực cảnh. 

Từ đó, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khẳng định những bài học lịch sử của cha ông trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện sự phong phú, đa sắc màu trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh.

Phần hội còn có sự kết hợp của các trò diễn đặc sắc như trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng của người Mường,... tạo nên một không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, để lại nhiều dư âm cùng ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân và du khách.

Nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh xâm lược. 

Nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh xâm lược. 

Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Việt, lấy Đông Kinh làm thủ đô.

Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Việt, lấy Đông Kinh làm thủ đô.

Sân khấu thực cảnh tái hiện sinh hoạt của người dân thôn quê.

Sân khấu thực cảnh tái hiện sinh hoạt của người dân thôn quê.

Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá giá trị và hình ảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập; thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử; tuyên tuyền về truyền thống lịch sử, văn hoá, đất và người Thanh Hoá đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Lần đầu tiên, chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh được tổ chức tại Lễ hội Lam Kinh năm 2023 với chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ” với chất liệu truyền thống, kết hợp với các hiệu ứng sân khấu hiện đại. Đây là dịp để người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc tỏ lòng ngưỡng vọng với công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các tướng sĩ.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng Lê Lợi lãnh đạo đã tạo nên một trong những mốc son đỉnh cao trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta; trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí anh dũng, quật cường và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của Nhân dân ta trong thời kỳ phong kiến.

Trong 6 năm ở ngôi Hoàng đế, Lê Thái Tổ cho xây dựng một nhà nước Trung ương tập quyền vững mạnh, ban hành nhiều chính sách tiến bộ về ruộng đất, phát triển công thương nghiệp, cho lưu hành tiền tệ, đẩy mạnh giáo dục và lựa chọn hiền tài, mở rộng bang giao, giữ yên bờ cõi.

Lê Thái Tổ đã quan tâm tới việc giữ gìn hòa hảo với các nước láng giềng nhằm mở nền thái bình muôn thuở, dập tắt muôn đời chiến tranh. Nhờ đó, nước Đại Việt vào thời Hậu Lê đã trở nên thái bình, thịnh trị, nhân dân được sống yên vui, hạnh phúc.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.