| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP chứa đựng hồn cốt của con người và quê hương Thanh Hóa

Thứ Năm 23/03/2023 , 18:03 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Chúng ta bán sản phẩm OCOP chính là lan tỏa sự khác biệt, về văn hóa, cảm xúc, trong từng sản phẩm".

Sản phẩm OCOP tạo ra giá trị khác biệt

Theo Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian qua, chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai hiệu quả. 

Trong giai đoạn 2021-2022 các địa phương đã rà soát, đăng ký 250 sản phẩm có lợi thế đưa vào kế hoạch hỗ trợ, phát triển sản phẩm và đánh giá theo chu trình OCOP.

Sau khi tổ chức đánh giá, xét chọn, có 223 sản phẩm OCOP được công nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (được xếp hạng từ 3-4 sao, 1 sản phẩm được xếp hạng 5 sao).

Có được thành quả trên là nhờ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được tăng cường và thực hiện bài bản.

Cơ quan chức năng đã tư vấn hỗ trợ phát triển 16 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP; tổ chức các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Có một số sản phẩm đã phát triển trên thị trường trong và ngoài nước; thành lập hợp tác xã OCOP Thanh Hóa (Thanh Hóa là một trong số ít các địa phương trong cả nước đã thành lập được mô hình này).

Các sản phẩm OCOP được trưng bày thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Ảnh: Quốc Toản.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Ảnh: Quốc Toản.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 66 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và 38 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử Voso, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP trong tỉnh. Tiếp tục cập nhật, giới thiệu sản phẩm mũi nhọn được các huyện đề xuất để thực hiện truyền thông, quảng bá trên các trang thông tin điện tử giới thiệu nông sản Thanh Hóa.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách, hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP để khuyến khích các chủ thể trong việc xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng.

Mặc dù sản phẩm OCOP trong tỉnh đã được công nhận nhiều, tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, việc xây dựng thương hiệu, chuỗi cung ứng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm hàng hóa chưa được nâng lên.

Giá trị sản phẩm OCOP nằm ở đâu?

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, để các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa thâm nhập sâu, rộng trên thị trường, chủ thể làm OCOP phải tạo ra sự khác biệt từ những giá trị tài nguyên bản địa đặc trưng.

“Nhiều địa danh của Thanh Hóa gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa. Đây là sự khác biệt mà không phải nơi nào cũng có được. Do đó, địa phương cần tận dụng sự khác biệt về văn hóa, lịch sử vùng miền để tạo ra các sản phẩm OCOP đặc trưng bản địa, vùng miền. Chúng ta bán sản phẩm OCOP chính là lan tỏa sự khác biệt về văn hóa, lịch sử, cảm xúc, trong từng sản phẩm.

Hay nói cách khác, người Thanh Hóa phải kể được câu chuyện về văn hóa của mình thông qua các sản phẩm OCOP. Đó cũng là một hành trình đưa văn hóa, tri thức bản địa tới tay người tiêu dùng. Làm được như vậy vậy mới chiếm lĩnh được không gian thị trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ bên lề hội nghị sơ kết 2 năm thưc hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP. Ảnh: Quốc Toản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh việc nâng cao giá trị sản phẩm OCOP thì việc tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cũng không kém phần quan trọng.

“Người Thanh Hóa trên khắp vùng miền cả nước là một thị trường tiêu thụ tốt. Tiêu thụ sản phẩm do người Thanh Hóa làm ra cũng là một cách thể hiện tình yêu quê hương. Nếu thị trường không được kích hoạt, sẽ khó kích thích được người tiêu dùng.

Mặt khác, để một sản phẩm nằm trên quầy, kệ đã khó, nhưng giữ được tính ổn định của nó còn khó khăn. Nếu không làm được điều này, các hàng hóa sẽ không phát sinh doanh thu và bị thay thế bằng mặt hàng khác. Do đó, sự cạnh tranh sẽ kích thích sự sáng tạo của chủ thể làm OCOP. Muốn làm được điều này, các chủ thể tạo ra sản phẩm OCOP cần phải có kế hoạch đón đầu xu hướng, thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tôi ví dụ, hiện nay trên thị trường có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người dân lựa chọn như nước mắm, mật ong... Do đó, chúng ta cần ngồi lại, để cùng nhau ngẫm nghĩ để tạo ra những sản phẩm có sự khác biệt, lợi thế về chất lượng và sức cạnh tranh. Nếu không làm được điều này, các sản phẩm OCOP của Thanh Hóa sẽ rất khó được người tiêu dùng lưu ý tới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, trong thời gian tới, những sản phẩm OCOP Thanh Hóa phải luôn được đặt ở các vị trí trang trọng nhất tại các gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước hoặc xuất hiện trong bữa ăn của du khách hay trong những túi quà của khách du lịch.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.