| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng nông thôn mới Thanh Hóa

[Bài 4]: Nông nghiệp bền vững, nông dân hạnh phúc

Thứ Sáu 17/03/2023 , 05:40 (GMT+7)

Nông nghiệp sạch, an toàn không chỉ là hướng đi phù hợp với xu thế mà còn là xu hướng phát triển bền vững, mang lại nhiều giá trị về mặt kinh tế.

Nông nghiệp bền vững

“Mày mà đâm đầu vào nông nghiệp thì đừng qua cầu Ghép lần nào nữa. Từ nay đừng về quê, ở đó mà sống với ý tưởng của mình”, ông Minh gằn giọng và từng có ý định từ mặt anh Trần Văn Tân khi con trai có ý định làm nông nghiệp công nghệ cao.

Ngồi kế bên bàn trà, ông nội anh Tân năm nay gần trăm tuổi cũng buông lời khuyên can: “Phi thương bất phú con ạ. Mày nhìn gương ông nội và bố mày xem, mấy đời làm nông nghiệp có ai giàu được không mà ham hố đầu với chả tư. Đấy! Nhà nước miễn thuế cho nông nghiệp mà tao và bố mày cả đời có khá lên được đâu. Sung sướng thì không muốn, cứ làm ba chuyện đâu đâu”. 

Người thân chưa kịp dứt lời, anh Tân cắt ngang giọng: “Ngày xưa ăn còn chưa no, con vẫn lớn khôn bình thường. Nhưng thế hệ ngày nay bệnh tật nhiều vì bệnh từ miệng mà ra chứ đâu. Con làm nông nghiệp sạch để đem lại giá trị cho cộng đồng chứ đâu phải làm mấy sào lúa, bắt con tôm, con cá dưới mương. Làm ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng sử dụng còn hơn xây mấy tòa tháp. Con làm thì con tự chịu”.

Để khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao, anh Tân bàn với gia đình bán tài sản đất đai nhà cửa, làm các thủ tục thuê đất, dựng nhà màng, thành lập công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương).

Ngày anh Tân bán mảnh đất nằm ngay mặt đường Lê Lai, ông Minh tiếc mãi: “Mảnh đất đó bây giờ có giá chục tỷ đồng chứ chẳng chơi. Thôi thì nó quyết chí thì phải chiều chứ biết làm sao bây giờ. Không lẽ khi nó cần tiền mà mình lại không giúp đỡ. Cái thằng đến là bướng!

Thế rồi, được thời gian ngắn, thấy người nước ngoài đến khu đất nó thuê để dựng nhà lưới, nhà màng, lắp đặt dây chuyền, công nghệ tấp nập. Cả đời tôi chưa thấy ai làm nông nghiệp mà phải đầu tư lớn đến thế”, ông Minh (bố đẻ anh Tân) nhớ lại.

Sản phẩm làm từ rau má có mặt tại thị trường quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Tân cùng sản phẩm làm từ rau má tham gia gian hàng tại hội chợ triển lãm quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nói về quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, anh Tân chia sẻ: “Rau má được xem là sâm của người Thanh Hóa. Nhắc đến rau má, người ta nghĩ ngay đến Thanh Hóa. Đây là loại cây gắn liền với văn hóa, lịch sử và con người xứ Thanh. Do đó, bản thân tôi nhận thấy, cần phải khôi phục, bảo tồn giống rau má bản địa. Càng hiểu về cây rau má tôi càng tìm thấy nhiều thú vị ở loại cây thảo dược này”, anh Tân chia sẻ.  

Sau thời gian nghiên cứu, khảo nghiệm, năm 2020, anh Tân được Sở Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua đề án xây dựng và bảo tồn rau má bản địa. Hiện nay, công ty đã phát triển gần 1 ha rau má bản địa tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm ở tổ dân phố Dục Tú, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương. Đây vừa là nơi nhân giống, thử nghiệm với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa làm cơ sở để nhiều đơn vị trong, ngoài tỉnh đến tham quan, chuyển giao công nghệ.

Hiện nay, anh Tân đã đầu tư dây chuyền sơ chế và chế biến rau má công nghệ từ Nhật Bản với năng suất 1 tấn rau má tươi/ngày. Các sản phẩm được chế biến từ cây rau má gồm như bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má, viên nén rau má, rau má tươi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, các sản phẩm từ cây rau má đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá OCOP 4 sao và được nhiều đối tác ở nước ngoài quan tâm, đặt hàng. Hiện nay, sản phẩm làm từ rau má của công ty anh không chỉ cung cấp trong nước, mà đã vươn ra thị trường nước ngoài khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc, Ba Lan, Cộng hòa Séc...

Để tạo vùng nguyên liệu ổn định, từ năm 2020 đến nay, công ty cũng đã liên kết với nhiều hợp tác xã và nông dân trong tỉnh mở rộng diện tích trồng rau má lên đến hàng trăm ha như ở TP. Thanh Hóa và các huyện Như Thanh, Quảng Xương, Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Nông Cống... Các hộ dân tham gia sản xuất được hỗ trợ từ giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch. Nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến được kiểm định chặt chẽ về chất lượng.

Trồng rau má sạch không chỉ giúp công ty có nguồn nguyên liệu ổn định trong sản xuất, mà cây rau má đã và đang giúp người dân nhiều địa phương trong tỉnh yên tâm sản xuất nông nghiệp trên chính mảnh ruộng của mình.

“Với hơn chục vụ trồng/năm, năng suất cây rau má đạt  khoảng 45 tấn/ha, trừ chi phí, thu lãi 250 - 300 triệu đồng/ha/năm”, anh Tân khẳng định.

Hiện nay, ngoài mặt hàng rau má, anh Tân tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư nhiều nhà màng, hệ thống phun tưới tự động để trồng các loại rau khác. Hằng năm doanh nghiệp của anh Tân cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn rau sạch. 

Nông dân hạnh phúc

Thôn Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) chưa bao giờ nhộn nhịp như bây giờ. Vùng đất nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc Gia Pù Luông nay trở thành địa điểm tham quan, kết hợp với du lịch sinh thái, với hàng trăm lượt khách tham quan, trải nghiệm mỗi ngày.

Nông trại của nông dân Nguyễn Văn Hiên (thôn kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) nằm gối đầu bên sườn núi thoai thoải. Vườn cam chằng chịt gốc, sai trĩu quả của gia đình ông chẳng khác nào các miệt vườn trái cây phía Nam.

Như thường lệ, ông Hiên hái sẵn rổ cam, để  trên bàn để khách giải khát sau quãng đường dài vượt dốc: “Cam ở đây không dùng thuốc trừ sâu nên có thể ăn thay cơm. Vỏ cam tuy nám một chút nhưng giá trị nằm ở đó. Vườn cam tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu. Làm trang trại kết hợp du lịch sinh thái nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải sạch để phục vụ khách”, ông Hiên cho biết.

Nhiều vị khách tỏ ra bất ngờ bởi ở nơi hoang vu, hẻo lánh như Kho Mường vẫn có những nông trại trù phú đến vậy. Hơn chục năm sau khi phá bỏ vườn tạp để chuyển sang mô hình nông trại với cây trồng chủ lực là cam giấy, hiện tại trên khoảng đất rộng 2ha của gia đình ông có tới hàng nghìn gốc cam trĩu quả, khiến khách tham quan không thể rời mắt.

2

Cam giấy là đặc sản của người dân bản Kho Mường. Ảnh: Quốc Toản.

Vườn cam của ông Hiên đang vào vụ, sai trĩu quả. Đáng mừng là cam của ông tiêu thụ nhanh, mạnh, nhiều lúc không đủ theo đơn đặt hàng của các cơ sở du lịch dịch vụ. Nhờ vậy thu nhập của gia đình ông đạt khá vì các cơ sở kinh doanh ẩm thực tin dùng, tiêu thụ nhiều hơn.

Ông Hiên cũng là hộ nông dân tiên phong trong việc “biến” vùng đất cằn của mình thành vườn cam trị giá hàng tỷ đồng.

“Trồng cam cho thu nhập hơn trồng lúa nhiều lần. Người dân bản địa ngoài làm nương rẫy, nếu không có việc làm thêm thì chỉ đủ ăn. Cam giấy được bán cho khách du lịch và người dân địa phương trong vùng với giá bình quân 20 nghìn đồng/kg. Hằng năm, gia đình thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng từ tiền bán cam và bán vé du lịch tham quan”, ông Hiên chia sẻ.

Để có hàng nghìn gốc cam giấy như ngày hôm nay, ông Hiên đã tự nhân giống cam bản địa trong nhiều năm. Cam có vị thanh ngọt, mọng nước, ăn rất ngon miệng. Ngoài ra, ông Hiên còn tận dụng những khoảnh đất trống để nuôi lợn rừng, gà đồi, tổ chức cho các đoàn tham quan thưởng thức ẩm thực ngoài trời theo yêu cầu, đồng thời mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch sinh thái.

Không chỉ gia đình ông Hiên, mô hình vườn cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái đang giúp nhiều bà con bản Kho Mường và một số thôn bản của huyện Bá Thước, Thanh Hóa thoát nghèo. Riêng vườn cam của gia đình ông Hiên luôn duy trì gần 10 lao động làm việc thường xuyên và cho thu nhập ổn định.

Được biết, để phát triển loại hình du lịch này, ngày 27/10/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4591-QĐ/UBND về việc phê duyệt Dự án “Xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường tại xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa”. 

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phát triển điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường trở thành một sản phẩm du lịch cộng đồng có thương hiệu, có giá trị, có sức cạnh tranh cao, trở thành một sản phẩm OCOP mang thương hiệu của địa phương. Phấn đấu, đến năm 2025, bản Kho Mường sẽ đón khoảng 7,3 nghìn lượt khách; năm 2030 đón 9,3 nghìn lượt khách trong đó có 50% khách lưu trú; 50% khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ du lịch năm 2025 đạt gần 6,9 tỷ đồng, năm 20 30 đạt 14,2 tỷ đồng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.