| Hotline: 0983.970.780

'Về nông thôn để hiểu hơn nhờ đâu chúng ta có miếng cơm, manh áo để sống, để tồn tại, để làm người'

Thứ Tư 22/03/2023 , 18:16 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, muốn xây dựng nông thôn mới 'cần về làng, bản để làm một điều gì đó cho nông thôn, cho bà con nông dân'.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo

Chiều 22/3, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 352 xã, 700 thôn/bản đạt chuẩn NTM; 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã, 317 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm 5 sao quốc gia.

LMH

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Về nông thôn để hiểu hơn nhờ đâu chúng ta có được miếng cơm, manh áo để sống, để tồn tại, để làm người". Ảnh: Quốc Toản.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận và đánh giá cao những chuyển biến tích cực thể hiện qua kết quả xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa theo hướng khá toàn diện, cao hơn trung bình của cả nước và các tỉnh vùng Bắc Trung bộ.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý địa phương 4 vấn đề cụ thể:

“Thứ nhất, trong điều kiện của mình, tỉnh Thanh Hoá có thể chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với thực tế, theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Bộ NN-PTNT sẽ phân tích, làm rõ thêm những điều còn bất cập, chưa phù hợp, cần sớm điều chỉnh.

Thứ hai, Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có một điểm rất mới so với các giai đoạn trước. Đó là, ngoài việc ban hành Chương trình chung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 Chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng nông thôn mới bao gồm: Chương trình OCOP; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình môi trường, nước sạch và an toàn thực phẩm nông thôn; Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng NTM thông minh; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự ở nông thôn…)”.

Bài liên quan

Thứ ba, tỉnh Thanh Hóa cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định; huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng nông thôn giữa các vùng, địa phương; thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Thứ tư, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo để chỉ đạo phổ biến nhân rộng; đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế, khuyết điểm trong chỉ đạo xây dựng NTM để sớm điều chỉnh, xử lý kịp thời. Tăng cường công tác động viên, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Tất cả chúng ta cần về làng, bản”

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mục tiêu của xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở các mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.

"Giá trị sâu xa, cốt lõi của xây dựng nông thôn chính là khơi gợi, hồi sinh đời sống cộng đồng nông thôn ít nhiều bị tác động trong tiến trình công nghiệp hoá đất nước; nâng cao năng lực cộng đồng thông qua hình thành các thiết chế tự lực, tự quản, tinh thần hợp tác, gắn kết giữa cấp uỷ, chính quyền và cộng đồng dân cư nông thôn tạo ra không gian cộng đồng rộng mở dần, hình thành mạng liên kết giữa các cộng đồng thôn bản lại với nhau.

Xây dựng nông thôn mới còn hướng đến xây dựng cấu trúc kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng một nông thôn hài hoà giàu bản sắc, góp phần tiến tới xã hội hài hoà, hài hoà giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa thụ hưởng và đóng góp, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa tri thức bản địa và tri thức phổ quát, khoa học - kỹ thuật tiên tiến", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

LMH1

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm các gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP. Ảnh: Quốc Toản.

Đặc biệt, sau khi thăm và làm việc, ghi nhận ý kiến từ đại diện lãnh đạo 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn, thách thức địa phương đang đối mặt.

“Chúng ta càng cần chủ động tìm kiếm cách thức tiếp cận mới, nguồn lực mới. Thay vì cứ phải cân phân, chần chừ trước điều - không thể, tại sao chúng ta không kiên trì góp nhặt từng điều - có thể?”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng, xây dựng nông thôn mới là quá trình diễn ra hàng ngày ở làng, ở thôn bản. Do đó, tất cả chúng ta cần về làng, về với thôn bản. Về để hiểu hơn người dân gắn bó với làng quê nông thôn, từ suy nghĩ đến nhu cầu, tâm tư, trăn trở, điểm nghẽn hàng ngày đang đối mặt.

"Về để thấy mỗi người chúng ta đều có thể làm một điều gì đó cho nông thôn, cho bà con nông dân. Về để hiểu hơn nhờ đâu chúng ta có được miếng cơm, manh áo để sống, để tồn tại, để làm người”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Về các kiến nghị của địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp Văn phòng Bộ, các đơn vị tham gia đoàn công tác của Bộ, tổng hợp đầy đủ, báo cáo Bộ, để sớm có văn bản phản hồi đến tỉnh. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp tháo gỡ, xử lý, điều chỉnh phù hợp, như phản ánh về vướng mắc trong cấp nước sạch tập trung.

Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Bộ NN-PTNT sẽ tổng hợp và báo cáo kiến nghị tháo gỡ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gửi gắm niềm tin sâu sắc rằng, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Thanh Hoá sẽ sớm về đích với nhiều sáng kiến khác biệt, đặc sắc, như cốt cách người xứ Thanh trong suốt chiều dài lịch sử.

Xem thêm
Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp từ ghế nhà trường

Ngày 8/5, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội thảo 'Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông'.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.