| Hotline: 0983.970.780

Từ Mường Lát, Thanh Hoá

Đau đáu điều nghèo đói dưới rừng giàu

Thứ Ba 21/03/2023 , 19:58 (GMT+7)

Việc khai thác các giá trị từ rừng ở Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn, khiến người dân miền núi còn nghèo. Tỉnh cần tiếp cận vấn đề phát triển miền núi thực chất hơn.

Chiều 21/3, Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị trực tuyến về đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng 11 điểm cầu tại các huyện miền núi trong tỉnh. 

61/163 xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới

Khu vực miền núi Thanh Hóa có có 11 huyện với hơn 7,9 nghìn km2, dân số hơn 1 triệu người, trong đó có 6 huyện nghèo, 163 xã và 1.330 thôn, bản. Thu nhập bình quân hiện nay mới đạt 31 triệu đồng/người/năm.

Trong giai đoạn 2021-2022, để thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ hơn 339 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho 11 huyện miền núi xây dựng 177 công trình kết cấu hạ tầng và hơn 161 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp trung ương hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các huyện miền núi.

Cùng với đó, Thanh Hóa đã phân bổ 51,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 11 huyện miền núi để đầu tư xây dựng mới, cải tạo các công trình kết nối hạ tầng và phát triển sản xuất OCOP theo các bộ tiêu chí nông thôn mới.

Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm và làm việc tại huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản. 

Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm và làm việc tại huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản. 

Tuy nhiên, miền núi Thanh Hóa có địa hình bị chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, thường chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; sản xuất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn.

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện miền núi còn chiếm gần 30%. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, bình quân khu vực này mới đạt 3,3 tiêu chí/xã. Đây là những khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Đến nay, trên địa bàn 11 huyện miền núi mới có 61 xã và 645 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 7 xã được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao; 51 thôn bản được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân tiêu chí khu vực miền núi mới đạt 15,6 tiêu chí/xã.

Hiện nay khu vực miền núi Thanh Hóa còn 65 xã đạt dưới 15 tiêu chí; huyện Mường Lát trắng xã nông thôn mới. Các huyện miền núi có 72 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Trong số 113 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh có tới 103 xã thuộc các huyện miền núi (62 xã thuộc các huyện nghèo). Nhiều địa phương rất khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trong đó có các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung, tiêu chí nghèo đa chiều hầu hết các xã chưa đạt.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao quà cho các hộ dân tại xã Mường Lý. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao quà cho các hộ dân tại xã Mường Lý. Ảnh: Quốc Toản.

Kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện miền núi còn thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh; chất lượng nguồn nhân lực thấp; đời sống của đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan, việc xây dựng nông thôn mới tại nhiều huyện miền núi của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn là do địa phương chưa linh hoạt, thiếu sáng tạo và chưa thực hiện quyết liệt chủ trương. Một bộ phận cán bộ và nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, tư duy và nhận thức chậm đổi mới.

Tại hội nghị, một số địa phương cho rằng, hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới còn hạn chế; nhiều huyện miền núi không đấu giá được đất, dẫn đến nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Cao Văn Cường, Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: "Đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ các xã, thôn, bản thuộc khu vực miền núi Thanh Hóa trong xây dựng nông thôn mới, gắn với giảm nghèo. Sửa đổi một số tiêu chí (tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch) để các xã miền núi có thể thực hiện được tiêu chí này..."

Nằm trên "vàng" mà vẫn nghèo

Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 hơn 1,6 nghìn tỷ đồng; vốn sự nghiệp năm 2022-2023 hơn 469 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển đã giải ngân được hơn 52%; vốn sự nghiệp giải ngân được hơn 25%..

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm 1,79%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi giảm 4,81%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 7,37%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện giảm 5,4%.

bt

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình sản xuất của gia đình anh Sùng A Thào tại xã Mường Lý. Ảnh: Quốc Toản.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: "Hiện nay, nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo cho các huyện miền núi còn hạn chế gây khó khăn cho công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, Thanh Hóa diện tích rừng lớn, nhưng dân vẫn nghèo. Đơn cử như, khi chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, người dân cũng không được phép tận thu các loại cây đổ gãy, để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Do đó, Trung ương cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân khai thác các giá trị và làm giàu từ rừng. ".

Ông Đinh Xuân Hướng, Bí thư Huyện ủy Như Thanh cho biết, việc giảm nghèo tại nhiều địa phương trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do vướng về pháp lý về đất đai: "Việc hỗ trợ làm nhà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, bởi nhiều người dân đã quen sống tạm bợ trong rừng, lấy rừng làm kế sinh nhai. Địa phương và các nhà hảo tâm muốn hỗ trợ xây nhà ở cho các hộ, nhưng không có đất ở để làm nhà vì vướng vào đất rừng phòng hộ... Do đó, cần có cơ chế tháo gỡ vấn đề đất ở đối với các hộ đồng bào sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng sản xuất".

Năm 2022-2023, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm hơn 7,3% vượt 4,37% so với kế hoạch. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người ở vùng miền núi còn thấp (mới đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm).

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đến nay, nhiều mô hình sản xuất đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân khu vực miền núi Thanh Hóa. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình sản xuất trên địa bàn các huyện miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là chưa hình thành các mô hình liên kết chăn nuôi bền vững.

Do đó, để phát triển bền vững các mô hình sản xuất, trong thời gian tới, Trung ương và địa phương cần tiếp tục hỗ trợ vốn, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở, tạo động lực xóa đói, giảm nghèo, nhất là với vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi xứ Thanh".

Ghi nhận các ý kiến của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đại diện các huyện miền núi trong cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Khó khăn của 11 huyện miền núi Thanh Hóa đã thấy rất rõ. Do đó, cần định vị tiếp cận vấn đề phát triển miền núi khác hơn, thực chất hơn. 

Bộ trưởng sẽ cùng với lãnh đạo tỉnh bàn cách giải quyết vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn. Cần làm rõ các vấn đề trong việc phân bổ các nguồn lực của ba chương trình (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vướng chỗ nào thì tập trung tháo gỡ để tập trung nguồn lực cho các địa phương miền núi phát triển.

Trong xây dựng nông thôn mới, các điểm nghẽn về nông thôn mới cũng cần tập trung giải quyết chứ không thể lơ mơ được. Nông thôn mới chính là sức sống mới, diện mạo mới. Do đó, trong xây dựng nông thôn mới cần phát huy giá trị cộng đồng, yếu tố bản địa đặc trưng vùng miền.

Xây dựng nông thôn mới làm cho đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao quan trọng hơn yếu tố cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, người đứng đầu cần truyền cảm hứng trong xây dựng nông thôn mới để cả cộng đồng hưởng ứng vào cuộc thực hiện mục tiêu. Muốn thực hiện được điều này, phải chăm chỉ, tự lực, hợp tác, liên kết để cùng làm và phát triển", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Ngày mai (22/3), Bộ Trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục tham dự Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Sáng 21/03, trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác đã thăm và làm việc tại hai mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyên Mường Lát. Đoàn đã đến thăm mô hình nuôi dê của gia đình bà Hà Thị Nường ở thôn Tài Chánh, xã Mường Lý, đang nuôi gần 30 con dê lấy sinh sản và lấy thịt. Bên cạnh đó, gia đình bà Nường còn canh tác thêm 10 ha rừng luồng, mỗi năm đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng. Sau khi thăm mô hình trồng cay ăn quả kết hợp trồng chuối và thả cá trên diện tích 3ha của anh Sùng A Thào tại xã Mường Lý, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Mường Lý nói riêng, huyện Mường Lát nói chung, đồng thời đề nghị chính quyền cơ sở nhân rộng các mô hình nông nghiệp đa giá trị, qua đó, giúp bà con xóa đói giảm nghèo...

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.