Ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi hơn cho các địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước
Ngày 16/1, Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo truyền thông về công tác lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2018 - 2019 khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi: Đã sẵn sàng cấp nước vụ đông xuân |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý công trình (Tổng cục Thuỷ lợi) cho biết: Vụ ĐX 2018, diện tích gieo trồng tại 12 tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ khoảng 602.500ha lúa (do chuyển đổi sang cây trồng khác), giảm hơn 9.000 ha so với vụ đông xuân năm ngoái.
Trong đó, diện tích phụ thuộc vào nguồn nước xả gia tăng từ các hồ chứa thủy điện khoảng 480.000ha. Cơ cấu thời vụ tập trung trà xuân muộn với thời gian gieo mạ từ ngày 25/1 - 10/2/2019, cấy trong tháng 2/2019.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian vụ đông xuân 2018 - 2019, tổng lượng mưa mùa khô thấp hơn TBNN từ 10 - 25%. Nhiệt độ trung bình có khả năng cao hơn TBNN. Hiện nay, dung tích trữ các hồ chứa thuỷ điện đã tích cơ bản đầy; dự kiến đến thời gian bắt đầu xả dung tích trữ đạt khoảng 90 - 95% thiết kế.
Để đảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, chủ trương của Bộ NN-PTNT cũng như EVN là tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, các đợt xả nước phải trùng với kỳ triều cường. Mặt khác phải tránh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (đợt 2 kết thúc vào 24h ngày 29 tháng Chạp). Ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi hơn cho các địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước (các địa phương có nhiều công trình lấy nước bằng động lực, thời gian lấy nước dài hơn (Hà Nội, Bắc Ninh).
Dự kiến, tổng lượng xả trong 3 đợt lấy nước khoảng 5,44 tỷ m3. Đợt 1 diện tích có nước đạt trung bình khoảng 15 - 20%, trong đó một số tỉnh ven biển đạt từ 30 - 50%; Đợt 2 diện tích có nước đạt trung bình khoảng 50 - 70%, các tỉnh ven biển đạt cơ bản hoàn thành kế hoạch; Đợt 3 hoàn thành các diện tích còn lại của các tỉnh và những vùng khó khăn về nguồn nước.
Nhiều trạm bơm đã tận dụng các kỳ triều cường để bơm nước vào hệ thống |
Theo ông Vũ Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình (Tổng cục Thuỷ lợi), lịch lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp với kỳ triều cường, tính toán cụ thể bằng mô hình toán để xác định khoảng thời gian xả nước hiệu quả nhất, tạo điều kiện tiết kiệm tổng lượng nước cần bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Bên cạnh đó, một số địa phương thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước đã đầu tư xây dựng các trạm bơm tưới có khả năng vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội), xây dựng các trạm bơm cột nước thấp để bơm trữ nước trong hệ thống kênh mương (Hưng Yên).
Tổng lượng nước trữ các hồ thuỷ điện giảm 1 tỷ m3
Ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (EVN) cho biết: Thời điểm cuối năm 2018, tình hình thuỷ văn trên toàn bộ hệ thống thuỷ lợi không thuận lợi, đặc biệt là khu vực Trung Bộ. Tổng lượng nước trong các hồ thuỷ điện thấp hơn so với mực nước dâng bình thường cùng kỳ năm ngoái là 5,57 tỷ m3.
Chính phủ đã chỉ đạo tiết kiệm tối đa lượng nước, vừa đảm bảo cấp nước đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp của vùng hạ du, vừa đảm bảo điện phục vụ dân sinh và các lĩnh vực kinh tế.
Họp báo truyền thông về cấp nước vụ đông xuân 2018 - 2019 |
Dự kiến, đến ngày 18/1 mới bắt đầu đợt xả nước chính thức, tuy nhiên EVN đã chỉ đạo các đơn vị vận hành xả nước trước đó 3 ngày với công suất xả khoảng 3.400m3/giây để đảm bảo mực nước tại trạm thuỷ văn Hà Nội luôn đạt 2,2m. |
Hiện tại, mực nước các hồ chứa thuỷ lợi đang thấp hơn khoảng 4,06 tỷ m3, gần tương đương với dung tích hữu ích của hồ hoà bình. Tính đến ngày 14/1, mực nước dâng tại hồ Hoà Bình thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 4m; mực nước hồ Thác Bà thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 0,9m. Tổng lượng nước của 3 hồ thuỷ điện Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà thấp hơn mực nước dâng bình thường là 993 triệu mét khối.
Ông Nguyễn Văn Vương, Phó phòng Cây lương thực - Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết: Rút kinh nghiệm từ các năm trước, các địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác tại các vùng khó khăn về nguồn nước (với diện tích hơn 9.300ha).
Bên cạnh đó, theo ghi nhận thực tế của Cục Trồng trọt, các địa phương đã chủ động tận dụng các kỳ triều cường để đưa nước vào hệ thống đổ ải làm đất. Qua đó, giảm áp lực nguồn nước từ các hồ chứa thuỷ điện. Những ngày vừa qua cũng xuất hiện một số cơn mưa, tuy lượng không lớn nhưng cũng góp phần làm ẩm đất.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi Nguyễn Văn Tỉnh khẳng định, công tác lấy nước của các địa phương đã sẵn sàng. Khi nước về thì có thể tổ chức lấy ngay và đưa vào ruộng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là tình trạng hạ thấp đáy sông. Trước đây lượng nước xả bổ sung của các hồ chứa thuỷ điện trong vụ đông xuân chỉ khoảng 3 - 3,5 tỷ m3 nhưng khoảng 3 - 4 năm trở lại đây thì mỗi năm phải xả 5 - 6 tỷ m3.
"Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN đã và đang thực hiện một số đề tài nghiên cứu để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ lâu dài hơn. Các phương án đã được tính đến như xây dựng đập dâng trên sông Hồng để đưa nước vào hệ thống thuỷ lợi. Đầu tư xây dựng các trạm bơm cột nước thấp dọc lưu vực sông Hồng... Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc khai thác cát trên sông Hồng và các tuyến sông khác. Chúng tôi tin tưởng qua những giải pháp này, việc lấy nước phục vụ vụ đông xuân sẽ có thuận lợi hơn", ông Tỉnh phát biểu.
Lịch lấy nước vụ ĐX 2018 - 2019: Đợt 1: từ 0h ngày 21/1 đến 24h ngày 24/1/2019, 4 ngày Đợt 2: từ 0h ngày 31/1 đến 24h ngày 03/2/2019, 4 ngày Đợt 3: từ 0h ngày 15/2 đến 24h ngày 22/2/2019, 8 ngày |