Phát biểu tại hội thảo hợp tác Nam - Nam chiều 25/7, PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia coi hợp tác là cơ sở quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là mong muốn và mục tiêu của nhiều quốc gia trên toàn cầu, trong đó có châu Phi.
Theo ông Thanh, Việt Nam hiện là hình mẫu về phát triển nông nghiệp, và ngày càng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam đang nhận sự tin tưởng lớn từ châu Phi về triển vọng hợp tác nông nghiệp, nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Hợp tác Nam – Nam được Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và đã chỉ đạo các cấp, các ngành tham gia một cách tích cực. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, hợp tác đang vấp phải một số tồn tại hạn chế được ông Thanh chỉ ra.
Một trong những tồn tại lớn nhất, được Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh là hiện chưa có một đầu mối thống nhất quản lý. Hiện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT đề xuất việc thành lập Văn phòng Hợp tác Nam – Nam và đang chờ phê duyệt.
Ngoài cơ quan đầu mối, ông Thanh nêu 4 điểm khó khăn nữa, đó các bên chưa xây dựng được chiến lược bài bản xuất khẩu mô hình nông nghiệp phát triển bền vững, bao gồm chuyên gia, kỹ thuật, công nghệ, tổ chức sản xuất… nhằm quảng bá thành tựu nông nghiệp Việt Nam ra thế giới.
Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia chưa được đào tạo bài bản, hệ thống; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các thỏa thuận hợp tác chưa thực sự chặt chẽ. Vai trò, hiệu quả của hợp tác chưa thực sự gắn với kết nối và mở rộng thị trường nông sản Việt, đầu tư kinh doanh nông nghiệp, hình ảnh quốc gia.
Từ những vấn đề này, PGS.TS Lê Quốc Thanh đề ra một số giải pháp về hợp tác, như ưu tiên đối tác truyền thống có tiềm năng nông nghiệp, chính trị và an ninh ổn định; Mở rộng hợp tác tư nhân, doanh nghiệp; Xây dựng các mô hình hợp tác phù hợp với đặc điểm của mỗi nước và vận dụng kinh nghiệm các ước nông nghiệp phát triển.
“Đã đến lúc, chúng ta cần xây dựng chiến lược Hợp tác Nam – Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, để đảm bảo phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, cũng như xây dựng, đảm bảo các chương trình chuẩn về chuyên gia, kỹ thuật, công nghệ, tổ chức sản xuất và đẩy mạnh sự tham gia khối tư nhân vào hợp tác nông nghiệp”, ông Thanh nói.
Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp mạnh mẽ hơn 30 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống các viện, hệ thống khuyến nông. Ông Thanh cho rằng, những đội ngũ này cần tập hợp để chung sức thúc đẩy hợp tác Nam – Nam.
“Tiếp cận châu Phi không chỉ là các mô hình sản xuất, mà Việt Nam còn mong muốn chuyển giao gói công nghệ toàn diện, tiếp cận trên cả phương diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia nói và nhấn mạnh, rằng kinh nghiệm của Việt Nam là không chỉ thúc đẩy kỹ thuật, mà còn đẩy mạnh các vấn đề liên quan đến văn hóa bản địa, chuỗi giá trị, liên kết sản xuất.
Việt Nam đã thành công khi lồng ghép nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp vào các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đây là những hoạt động được vị chuyên gia nông nghiệp đề xuất nên đưa vào hợp tác Nam – Nam.
Cụ thể, để đáp ứng những yêu cầu mới, các chuyên gia Việt Nam khi hỗ trợ châu Phi cần phải đào tạo thêm về ngoại ngữ, văn hóa… Chỉ khi hiểu chắc, nắm rõ tập quán canh tác, thói quen của người dân, những chuyên gia này này mới có thể đưa các giải pháp đến tận những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa.
Coi Hợp tác Nam – Nam như một vấn đề lớn và phải có giải pháp đồng bộ, ông Thanh khuyến nghị, những gì Việt Nam tham gia thời gian tới sẽ không dừng ở việc chuyển giao kỹ thuật trồng lúa, xây dựng mô hình đơn lẻ, mà cao hơn là cách tổ chức thực hiện.
“Việt Nam thành công sản xuất nông nghiệp, một phần do hệ thống khuyến nông, với hơn 30.000 khuyến nông viên trên cả nước. Đây là những người gắn kết chặt chẽ với địa phương, trực tiếp cầm tay chỉ việc người nông dân. Nếu không có họ, công nghệ sẽ quay lại người hướng dẫn ngay khi hết dự án”, ông Thanh nhận xét.