Là huyện miền núi Tây Bắc nước ta, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây mận máu, sản phẩm đặc sản đặc trưng của địa phương. Nhận thấy giá trị kinh tế cao mà loài cây ăn quả này mang lại, những năm gần đây, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho sản phẩm, như vận động nhân dân mở rộng diện tích, cải tiến ký thuật trồng, chăm sóc và thu hái. Quy hoạch vùng trồng trọng điểm phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến năm 2022, tổng diện tích canh tác mận máu toàn huyện đạt trên 420 ha, trong đó có khoảng 45 ha đang cho trái với năng suất bình quân 2,2 - 4,5 tấn/ha.
Theo đó, UBND huyện Hoàng Su Phì đã ban hành quyết định về “Phương án Phát triển Mận máu theo hướng hàng hóa giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”. Dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mận máu Hoàng Su Phì” được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Mekong Cần Thơ (Chi nhánh Công ty TNHH Công nghệ NHONHO) thực hiện từ tháng 10/2020. Kết quả của dự án đã góp phần tạo dựng và bảo vệ hình ảnh, biểu tượng của sản phẩm mận máu Hoàng Su Phì, thiết lập và vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu với các công cụ đi kèm (các quy chế, quy định), hệ thống nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm.
Trong khuôn khổ dự án, nội dung thiết kế, tạo dựng bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm mận máu Hoàng Su Phì là rất quan trọng. Hội thảo tổ chức vào ngày 18/5/2021 tại Trung tâm văn hóa thể thao và du lịch huyện Hoàng Su Phì với sự tham gia của hơn 30 đại biểu, đã lấy ý kiến và thống nhất chọn logo 1 trong số 3 hình trên đây để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu,và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận "Mận máu Hoàng Su Phì” vào ngày 22/6/2022.
Bên cạnh đó, dự án đã thực hiện điều tra do nhóm tác giả như: Trần Thế Như Hiệp, Bùi Bá Din, Dương Hoài An, Nguyễn Thị Thảo Nguyên...đã khảo sát thu thập thông tin hiện trạng về trồng, sản xuất, kinh doanh mận máu tại 120 hộ dân trồng mận và 5 tổ chức thương mại kinh doanh sản phẩm mận máu.
Có được cơ sở dữ liệu quan trọng cho chính quyền và nhân dân địa phương, nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước, cũng như nâng cao giá trị, phát triển thương hiệu sản phẩm mận máu. Kết quả khảo sát cho thấy, cứ một cây mận máu khi trưởng thành sẽ cho năng suất trái từ 50-70kg. Với giá bán bình quân giai đoạn 2020-2022 là khoảng 40.000 - 60.000 đồng/kg, vào thời điểm trái vụ hoặc khi thời tiết không thuận lợi, giá có thể cao hơn, có thời điểm lên đến 100.000 – 120.000 đồng/kg. Năng suất trung bình của các hộ dân trồng mận máu trên địa bàn huyện đạt 3,4 tấn/năm, trong đó cao nhất là xã Chiến Phố, nhiều nhà vườn được mùa, thu nhập có thể đạt đến 170 triệu đồng/năm. Về thị trường tiêu thụ, chỉ có 8% sản phẩm bán lẻ ra thị trường (chủ yếu bán cho người quen và các hộ này có sản lượng thấp), 56% bán cho thương lái và có 36% vừa bán cho thương lái vừa bán lẻ cho các khách hàng quen.
Nhằm xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường cho sản phẩm này, ngoài tổ chức 4 hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho logo, các quy chế, quy trình và sổ tay hướng dẫn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Ban quản lý dự án còn xây dựng 1 video quảng bá và phát sóng 15 lần trên đài truyền hình tỉnh Hà Giang. Tiếp theo đó là thực hiện xây dựng và quảng bá sản phẩm mận máu tại 3 điểm trưng bày sản phẩm tại TP Hà Nội, TP Hà Giang và huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang.
Kết quả khảo sát thực trạng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng cho thấy một số khó khăn cho nông dân, thương lái. Mặc dù hương vị của mận máu rất đặc trưng, khác nhiều sản phẩm mận khác. Tuy nhiên, trên thị trường có nhiều sản phẩm tương tự có khả năng cạnh tranh với mận máu Hoàng Su Phì. Trong đó, có thể kể đến như: mận máu huyện Bảo Lạc (đặc sản của Cao Bằng), mận Lão Thẫn (đặc sản của vùng cao Phìn Hồ và Y Tý), Mận Tả Van (đặc sản của Lào Cai), mận Sơn La…
Về địa hình, thời tiết, khí hậu, ngoài những thuận lợi đã nêu trên đây, cũng mang đến nhiều khó khăn như: về mùa khô thường thiếu nước tưới tiêu, khó khăn trong bón phân, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm. Ngoài ra, hệ thống giao thông khó khăn, thị trường tiêu thụ ở xa là một trở ngại quan trọng để quảng bá và bán sản phẩm ra các thị trường khác ngoài địa phương.
Với quyết tâm của chính quyền và nhân dân địa phương, cùng với kết quả dự án mạng lại, là nền tảng cho những kế hoạch quan trọng nhằm phát triển bền vững sản phẩm mận máu Hoàng Su Phì, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn và kinh doanh thương mại đều có thể sử dụng được Nhãn hiệu chứng nhận mận máu Hoàng Su Phì khi đáp ứng được các điều kiện theo quy chế sử dụng nhãn hiệu.
Các quy chế và quy trình để được cấp và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đều được xây dựng trên cơ sở áp dụng thực tế tại địa phương cùng với các ý kiến chuyên gia và trước khi ban hành cũng lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của các cơ quan, ban ngành tại địa phương, các hộ dân, hợp tác xã trên địa bàn huyện, nên khả năng áp dụng, nhân rộng là rất lớn và giàu tiềm năng.