| Hotline: 0983.970.780

Sáng lên dưới những cánh rừng: [Bài 1] Nâng cao đời sống cho bà con vùng biên giới

Thứ Năm 24/10/2024 , 20:15 (GMT+7)

Quảng Bình Hơn ngàn hộ dân đồng bào dân tộc ít người dưới chân dãy Trường Sơn đã có thêm thu nhập nhờ làm tốt công tác bảo vệ phát triển rừng…

Chúng tôi về vùng núi miền tây huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) để cảm nhận thêm đời sống người dân dưới những cánh rừng già. Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc Khu dự trữ sinh quyển Động Châu - Khe Nước Trong (Khu dự trữ Động Châu), cho hay: “Đến nay chúng tôi đã thực hiện được hợp động bảo vệ rừng cộng đồng với hơn 1.200 hộ là bà con dân tộc Vân Kiều tại các xã miền núi của huyện. Với thu nhập tăng thêm mỗi năm khoảng chục triệu đồng từ bảo vệ rừng cùng với những hỗ trợ về sinh kế, lâm sinh…đã làm cho đời sống đồng bào ở đây ngày càng tươi sáng lên”.

Lực lượng của Khu dự trữ sinh quyển Động Châu - Khe Nước Trong cùng dân bản thực hiện tuần tra bảo vệ rừng tận gốc. Ảnh: T. Đức.

Lực lượng của Khu dự trữ sinh quyển Động Châu - Khe Nước Trong cùng dân bản thực hiện tuần tra bảo vệ rừng tận gốc. Ảnh: T. Đức.

Giữ rừng trên “ngã 3 biên”

Những năm trước đây, khi nhắc đến nhiệm vụ bảo vệ rừng trên vùng biên (được gọi là “ngã 3 biên”, nơi giáp ranh vùng núi huyện Lệ Thủy (Quảntg Bình) với các huyện Vĩnh Linh, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), là mọi người lại nghĩ đến những cánh rừng tự nhiên với trữ lượng gỗ quý hiếm lớn và lâm tặc thì ngày đêm tìm cách xâm nhập.

Có những thời điểm, lâm tặc đã đưa cả xe ủi, xe reo…lên vùng rừng ngã “3 biên” để mở đường làm khai thác gỗ lậu. Lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Động Châu (Khu dự trữ Động Châu bây giờ), đã tăng cường lực lượng, ngày đêm giữ rừng với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”. Lực lượng bảo vệ rừng thay phiên nhau vào tận những gốc cây gỗ lớn quý hiếm như lim, gõ, táu…đóng trại để ngăn chặn lâm tặc xâm hại đến rừng. Cũng đã có những cuộc “đụng độ” xảy ra giữa lực lượng bảo vệ rừng Lệ Thủy với lâm tặc khi lực lượng Kiểm lâm huyện cùng bảo vệ rừng Động Châu phá đường, phá ngầm…không cho lâm tặc có cơ hội vào rừng trái phép. Những lúc như vậy, bà con tại các bản của các xã Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy… đã cùng sát cánh với lực lượng bảo vệ rừng để ngăn chặn những hành vi xâm hại đến rừng.

Nhờ vậy, những cánh rừng tự nhiên ở “ngã 3 biên” thuộc huyện Lệ Thủy đã được bảo vệ nghiêm ngặt. Say này, Khu dự trữ Động Châu đã ký hợp hợp đồng bảo vệ phát triển rừng với trên 1.200 hộ dân của các bản trên địa bàn thì việc canh rừng, giữ rừng càng tốt hơn.

Tổ bảo vệ rừng cộng đồng xã Kim Thủy xuyên rừng trong chuyến tuần tra. Ảnh: N. Quảng.

Tổ bảo vệ rừng cộng đồng xã Kim Thủy xuyên rừng trong chuyến tuần tra. Ảnh: N. Quảng.

Hiện tại, Khu dự trữ Động Châu được giao bảo vệ trên 22 ngàn ha rừng đặc dụng và được tạm giao gần 12 ngàn ha rừng tự nhiên. Những năm gần đây, Khu dự trữ Động Châu đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng tại 6 bản của các xã vùng miền núi, biên giới. Trong đó, xã Kim Thủy có 5 bản và xã Lâm Thủy có 1 bản.

Ông Hồ Văn Xoan, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho biết, nhiều năm nay, bà con các bản nhiệt tình và có trách nhiệm trong việc giữ rừng. Tại các bản đã có nhiều tổ bảo vệ rừng cộng đồng, mỗi tổ có trên chục hộ gia đình tham gia. 

Cuộc sống khá lên nhờ rừng

Chúng tôi về xã Kim Thủy khi cũng gần trưa. Tuy vậy, vẫn còn nhiều bà con ngồi trong phòng đợi xếp hàng để chính quyền ký xác nhận trong hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng để nhận tiền hỗ trợ.

Theo ông Hồ Văn Xoan cho hay, toàn xã có gần 1.400 hộ dân với khoảng 4 ngàn nhân khẩu. Nhưng năm về trước, số hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm đến 70% tổng số hộ. “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương những năm gần đây là lấy rừng làm nền tảng để dần ổn định và nâng cao đời sống người dân. Trước hết là chúng tôi vận động, tuyên truyền bà con các bản tự thành lập các tổ bảo vệ rừng cộng đồng để nhận giao khoán bảo vệ, phát triển rừng với Khu dự trữ Động Châu. Nhờ đó, bà con có thu nhập để nâng cao đời sống”- ông Hồ Văn Xoan nói thêm.

Bà con ở xã Kim Thủy nhận tiền hỗ trợ bảo vệ rừng. Ảnh: N. Quảng.

Bà con ở xã Kim Thủy nhận tiền hỗ trợ bảo vệ rừng. Ảnh: N. Quảng.

Mỗi lần nhận tiền bảo vệ rừng là bà con tranh thủ đi sớm để làm thủ tục và tranh thủ về sớm lo làm lụng việc nhà, việc nương vườn. Nhìn nét mặt bà con ai cũng phấn khởi. Bà Hồ Con (bản Hà Lẹc), nhận xong tiền, cẩn thận cất vào túi, rồi nói: ‘Tôi xin về sớm để chuẩn bị mua mấy thứ đồ để ngày mai ông nhà tui theo phiên đi trực tuần tra rừng với cán bộ đó”

Bản Ho Rum của xã Kim Thủy là một trong những bản xa trung tâm xã nhất. Theo trưởng bản Hồ Văn Anh thì gần 100 hộ dân trong bản đều đã có tên trong các tổ bảo vệ rừng cộng động. Nhiều năm qua, với trung bình mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng khoảng hơn 20ha nên đã nhận được hỗ trợ của Nhà nước mỗi năm cũng được gần chục triệu đồng. “Năm ngoái và năm nay, bà con có tiền hỗ trợ từ bán tín chỉ các bon nên cũng được nhận hỗ trợ khoảng 600 ngàn đồng mỗi ha rừng. Có thu nhập ổn định nên đời sống của bà con cũng được cải thiện thêm. Nhiều gia đình dành dụm tiền để sửa sang lại nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Bà con ai cũng mừng và gắn bó hơn việc giữ rừng”- ông Anh bộc bạch thêm.

Lợn giống được bàn giao cho bà con để tạo sinh kế tăng thu nhập, ngày càng phát triển đời sống. Ảnh: T. Đức.

Lợn giống được bàn giao cho bà con để tạo sinh kế tăng thu nhập, ngày càng phát triển đời sống. Ảnh: T. Đức.

Trong việc tạo sinh kế cho người dân, Khu dự trữ Động Châu đã phối hợp với chính quyền địa phương và thống nhất với bà con dân bản chú trọng đến phát triển chăn nuôi lợn. Trên tinh thần này, bà con được tập huấn về làm chuồng trại, chăm sóc lợn nuôi chuồng, phòng trừ dịch bệnh… Sau đó, dự án đã cung cấp giống lợn, thức ăn cho bà con. Anh Hồ Văn Lai (ở bản Ho Rum), chạy xe máy ra điểm nhận lợn giống để về nuôi. Anh cho hay chiếc xe máy đắt tiền này cũng là do tiền nhận từ bảo vệ rừng mà mua được đấy. Hai lần nhận tiền gần đây cũng được hơn chục triệu đồng, có chi dùng một ít, còn lại để dành mua bò về chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Hồ Văn Xoan, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho hay: “Những năm gần đây, nhờ thu nhập từ việc bảo vệ phát triển rừng mà đời sống của bà con dân tộc Vân Kiều tại các bản làng khấm khá lên nhiều. Tại địa phương đã có nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả nhờ phát triển kinh tế rừng. Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 39% hộ nghèo, đã giảm một nữa số hộ so với mất năm trước”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP Quảng Ninh đến gần người tiêu dùng Thủ đô

HÀ NỘI Khai trương Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh và Tổ hợp nhà hàng trải nghiệm sản phẩm OCOP mang đến trải nghiệm mua sắm độc đáo cho người dân Thủ đô.

Bình luận mới nhất