Hỗ trợ người dân thay đổi giấy tờ nhanh gọn
Thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Qua rà soát, tỉnh Yên Bái có 12 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Trong đó, thực hiện sắp xếp 10 đơn vị gồm: xã Yên Bình (huyện Yên Bình); các xã Nghĩa Phúc, Thanh Lương (thị xã Nghĩa Lộ); xã Tuy Lộc và phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái); các xã Đào Thịnh, Việt Thành, Nga Quán, Cường Thịnh, Bảo Hưng (huyện Trấn Yên).
Hiện nay, tỉnh Yên bái có 173 đơn vị hành chính cấp xã gồm 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn. Sau khi thực hiện sắp xếp sẽ giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương với việc giảm hơn 160 cán bộ, công chức, người lao động bán chuyên trách tại các xã, phường.
Thông tin về việc sắp xếp đơn vị hành chính làm nhiều người dân quan tâm đến việc thay đổi các loại giấy tờ như căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo hiểm, bằng lái xe, các thông tin ngân hàng... Chưa kể, có nhiều sinh hoạt liên quan khác, như giấy tờ cho con đi học, cần phải được xác nhận rõ ràng, cụ thể...
Ông Trịnh Minh Sơn, người dân phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) bày tỏ, khi nghe thông tin về việc sáp nhập phường Nguyễn Phúc vào phường Hồng Hà, ông và nhiều người dân trong tổ dân phố rất băn khoăn việc thay đổi các thông tin cá nhân, hộ khẩu và các giấy tờ đất đai… Được sự tuyên truyền phổ biến của chính quyền thì ông đã yên tâm vì sẽ được hướng dẫn cụ thể kịp thời và miễn phí thực hiện các thủ tục chuyển đổi. Việc sáp nhập sẽ giúp tinh giản biên chế, giảm chi tiêu ngân sách Nhà nước; cơ sở vật chất, đất đai của trụ sở cũ sẽ được sử dụng vào việc khác phù hợp nên mọi người trong tổ dân phố ủng hộ.
Theo ông Nguyễn Văn Bẩy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng, chủ trương của Nhà nước về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã hiên nay là phù hợp. Đơn cử như, đối với xã Bảo Hưng hiện nay cơ sở hạ tầng đã được đầu tư cơ bản, giao thông thuận tiện. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, từng bước xây dựng chính quyền số nhằm công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của Nhà nước, giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính giúp các địa phương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.
Sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, một số giấy tờ của người dân có thông tin về địa chỉ nơi cư trú cần thay đổi như: thẻ căn cước, nơi đăng ký thường trú trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, phương án, phân công lực lượng, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp để hỗ trợ nhanh gọn, không để phiền hà, khó khăn cho người dân.
Tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi tiêu công
Theo ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, triển khai các bước sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Yên Bái trong năm 2024. Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã vào cuộc đồng bộ để thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính một cách khoa học, bài bản.
Người dân sẽ không chỉ được tạo mọi thuận lợi trong việc thay đổi giấy tờ, mà sau khi sáp nhập sẽ được thụ hưởng một môi trường hành chính hiện đại, văn minh, tiến bộ. Đó mới là mục đích cao nhất của sáp nhập xã, phường chứ không phải chỉ là chuyện “khắc xuất - khắc nhập” theo kiểu cơ học.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đến năm 2025 sẽ tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giản bộ máy. Đồng thời, tiết kiệm chi tiêu công, nhiều cơ sở vật chất, tài sản công được sử dụng với mục đích khác, phù hợp hiệu quả hơn. Góp phần vào sự thành công của cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án cũng gặp một số khó khăn vì theo quy định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan. Do đó cần phải thực hiện thêm công tác bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch để phục vụ công tác sắp xếp.
Theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì việc lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị phải tuân theo trình tự, thủ tục gồm nhiều bước như: phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị và phải lập đồ án quy hoạch đô thị. Việc lập quy hoạch đô thị phải do tổ chức tư vấn thực hiện; nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư… thời gian kéo dài từ 1 đến 2 năm.
Trong khi đó xây dựng Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt trước khi Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 15 và các văn bản hướng dẫn, quy định của bộ, ngành, Trung ương ban hành. Thời gian thực hiện từ khi xây dựng phương án, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương đến khi hoàn thành hồ sơ trình Trung ương xem xét, thông qua là quá gấp, trong khi khối lượng công việc nhiều, phức tạp.
Hiện tại, tỉnh cũng chỉ đạo sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND thị xã, thành phố khẩn trưởng rà soát điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị. Hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường dự kiến hình thành sau sắp xếp trình Bộ Xây dựng thẩm định bảo đảm đúng tiến độ.
Sớm ổn định hoạt động tại đơn vị hành chính mới
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn thông tin thêm, hiện nay tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 117 ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng phương án tổng thể và chi tiết về việc cơ cấu tổ chức bộ máy, phương pháp tiến hành, lựa chọn đội ngũ cán bộ của các xã sau khi sắp xếp; xây dựng lộ trình rõ ràng cho việc giảm số lượng lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư. Việc tiến hành được thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, công bằng và khách quan.
Tỉnh sẽ bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn, năng lực và trách nhiệm để đảm đương công việc lãnh đạo, quản lý, gần dân, sâu sát địa bàn, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Tránh tình trạng để xảy ra quan liêu, tiêu cực, cục bộ địa phương, gây bất ổn, mất đoàn kết nội bộ và mất niềm tin trong nhân dân.