Hiện trường vụ sạt lở cho thấy 6 căn nhà đã sụp đổ toàn bộ xuống sông Tiền, và hàng chục căn nhà khác đang nằm trong vùng nguy cơ tiếp tục bị sạt lở. Phần nhà cửa nào chưa bị sạt lở xuống sông thì cũng hư hỏng nặng. Rất may, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người.
Ông Dương Văn Tươi, người có nhà bị sạt lở, kể lại, tai nạn ập đến bất ngờ, người dân chỉ kịp thời thoát ra khỏi nơi nguy hiểm. Tài sản tích cóp được nhiều năm bị đổ xuống sông, trôi theo dòng nước. Trong khi đó, phần lớn đời sống bà con còn khó khăn, phải làm thuê kiếm sống, rất đau xót.
Ông Nguyễn Đình Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hưng cho biết, trước mắt, chính quyền địa phương đang triển khai những giải pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ an toàn về tính mạng và tài sản người dân. Lực lượng tại chỗ của xã đã di dời người dân, bố trí chỗ ở tạm an toàn, cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết trong khi chờ đợi ngành chức năng có giải pháp căn cơ để ổn định sản xuất và đời sống nhân dân lâu dài.
Trong ngày 8/8, ông Lê Văn Ý - Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cùng các ngành chức năng đã đến hiện trường khảo sát, thăm hỏi, động viên bà con trong vụ sạt lở trên. Tại đây, ông Lê Văn Ý đã trao mỗi hộ dân bị nạn số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng trong khi chờ đợi các cấp, các ngành có giải pháp xử lý sạt lở.
Nằm ở đầu nguồn sông Tiền, huyện Cái Bè là một trong những điểm “nóng” về sạt lở bờ sông, kênh rạch ở tỉnh Tiền Giang. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xảy ra 36 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 6.000m. Trong đó, điểm sạt lở tại ấp Khu Phố, xã Hòa Hưng lần này là một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất. Điều đáng lo ngại là vụ sạt lở nằm phía thượng lưu và cách chân cầu Mỹ Thuận hiện hữu không bao xa.