| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc: Chất lượng trước, giá cả sau

Thứ Hai 26/09/2022 , 12:22 (GMT+7)

Đại diện doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu lô sầu riêng đầu tiên của Việt Nam, cho rằng yếu tố tiên quyết để cạnh tranh là chất lượng, sau đó mới tính đến giá cả.

trung-quoc-sr2-165748_559

Ông Lâm Long Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Tô Châu, Trung Quốc) phát biểu trong lễ công bố lô sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiều 17/9 tại Đăk Lăk. Ảnh: VV.

Sầu riêng Việt Nam cần thời gian khẳng định

“Việt Nam là người mới xuất xuất hiện ở thị trường sầu riêng Trung Quốc. Trước đó, Malaysia và Thái Lan đã chia nhau vững chiếm ngôi vị thứ nhất và thứ hai. Người tiêu dùng nước chúng tôi cần có thời gian làm quen, xác nhận. Vì thế, sầu riêng Việt Nam cần nhất bây giờ là chất lượng”, ông Lâm Long Đức, đại diện doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu lô sầu riêng Việt Nam đầu tiên vào nước này, cho biết hôm 25/9.

Giá sầu riêng Việt Nam hiện tại ở thị trường 1,4 tỷ dân đang thấp hơn sầu riêng Thái Lan từ 150-250 NDT, theo số liệu của Công ty TNHH Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Tô Châu, Trung Quốc). Trước đó, ông Lâm nói giá sầu riêng Việt Nam “ngang ngửa” với đối thủ đến từ Malaysia, Thái Lan.

“Đó là dự kiến trong tương lai, với thế mạnh về cự ly gần, chỉ cần 36 tiếng từ vườn đến kệ hàng trên siêu thị ở Quảng Tây. Còn hiện tại, chúng tôi buộc phải đưa ra giá thấp hơn để người tiêu dùng chú ý”, ông Lâm lý giải.

Tổng Giám đốc Công ty Việt Hải cho biết theo số liệu của doanh nghiệp này, hiện sầu riêng Việt Nam đang nhập vào Trung Quốc chủ yếu là giống Monthong của Thái Lan. Giống Musang King của Malaysia hiện chưa có quốc gia nào cạnh tranh nổi trên diện rộng.

“Giống Musang King hiện được định vị cho thị trường cao cấp. Tiếp đến là Monthong của Thái Lan, được yêu chuộng ở thị trường phổ thông. Vị của sầu riêng Việt Nam khá tương đồng với của Thái Lan. Ưu thế của các bạn nằm ở vị trí địa lý gần, nếu cải thiện được khâu bảo quản, đóng gói, vận chuyển, thì sẽ còn cạnh tranh tốt hơn nữa”, ông Lâm nói.

Lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc nói ông vẫn chưa thể quên “giây phút mang tính lịch sử” khi xe container sầu riêng đầu tiên của Việt Nam lăn bánh qua cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn hôm 19/9.

“4 năm đàm phán, rồi lại bị gián đoạn do 2 năm dịch Covid-19. Phải nói là khó khăn chồng chất khó khăn. Chúng tôi thực sự hy vọng vào việc phía Việt Nam sẽ làm tốt các quy chuẩn mà hai nước đã thống nhất. Tiềm năng trái cây Việt Nam còn rất nhiều, không chỉ có mỗi sầu riêng”, ông Lâm nói.

Nhiều năm khảo sát thị trường, là một trong Top 50 doanh nghiệp nhập khẩu nông sản hàng đầu Trung Quốc, ông Lâm nêu ý kiến về việc “một số loại hoa quả Việt Nam ban đầu được giá ở Trung Quốc, song sau đó lại bị rớt giá, thậm chí dẫn đến "giải cứu" ở thị trường Việt Nam”.

Theo ông Lâm, hiện Trung Quốc kiểm soát rất chặt về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chí phòng chống Covid-19.

“Một thùng hoa quả trong container có vấn đề, thì cả container đó phải bị đình lại kiểm tra, thậm chí cả lô hàng xuất khẩu hàng chục, hàng trăm tấn cũng bị đình theo. Không có chuyện doanh nghiệp Trung Quốc "chơi xỏ" để ép giá. Hai bên nếu làm ăn chính quy, ký hợp đồng với nhau, thì làm sao có chuyện đó”.

Ông Lưu Nam Tài, đại diện doanh nghiệp logicstic ở Quảng Tây, Trung Quốc, chia sẻ ý kiến trên. 20 năm làm ăn ở Việt Nam, ông Lưu nói việc “ép giá” thường xảy ra ở các thương lái nhỏ lẻ, hoặc một số doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam không có hợp đồng trước, mà mang sang chợ hoa quả ở Bằng Tường bán theo kiểu “cầu may, ăn theo”.

sau-rieng-viet-nam

Sầu riêng Việt Nam chuẩn bị qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn để xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Văn Việt.

Doanh nghiệp Việt tìm cách chèn ép nhau

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam hôm 25/9 cho biết đơn vị này bị “dọa nạt” trắng trợn vì không “ủy quyền” cho công ty khác xuất khẩu.

“Họ yêu cầu chúng tôi bán mã số vùng trồng, bán mã số đóng gói. Khi không được thì họ dọa là chúng tôi sẽ gặp khó nhiều trong việc đưa hàng lên biên giới. Họ bảo họ là chỗ "sếp to" giới thiệu, không vừa lòng họ sẽ gặp bất lợi”, vị đại diện yêu cầu giấu tên, nói với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam hôm 25/9.

Vị này cho biết các doanh nghiệp làm ăn đúng đắn nhiều khi “khổ trăm bề”. Để đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc vốn vô cùng khắt khe, đã là chuyện không đơn giản. Song khi đã đáp ứng, thì lại bị một số doanh nghiệp khác nhảy vào đòi chia sẻ mã số.

“Trung Quốc làm cực kỳ gắt, họ không phải thị trường dễ tính, cũng khó mà lừa họ. Với hệ thống kiểm soát liên thông từ các đơn vị cửa khẩu đến kiểm dịch, thuế quan, bất cứ khâu nào họ cũng kiểm tra được số sầu riêng nhập vào có đúng là đến từ mã số vùng trồng hay không. Chỉ một lần vi phạm, đơn vị có mã số được cấp sẽ không thể còn quyền xuất khẩu vào Trung Quốc nữa”, vị đại diện nói.

Lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu nói nhiều đêm “nằm nghĩ mà rớt nước mắt” vì bị chèn ép, chơi xỏ ngay từ trong nước.

Chia sẻ vấn đề này, ông Lâm Long Đức cho rằng Việt Nam cần học tập mô hình của Thái Lan. Tại xứ sở Chùa Vàng, kiềng ba chân giữa doanh nghiệp xuất khẩu - nông dân - doanh nghiệp vận tải, được thiết lập vững chắc. Mặt khác, Thái Lan có chế tài rất khắt khe với hành vi gian dối, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Không đoàn kết, không thể thành công. Phải chuyên nghiệp hóa từng khâu, để sầu riêng Việt Nam sang tới Trung Quốc là một chuỗi sản xuất, đóng gói, tiêu thụ thật vững mạnh", ông Lâm nói. 

Trung Quốc tiêu thụ hơn 800 nghìn tấn sầu riêng mỗi năm

Theo ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, thương mại nông sản của Trung Quốc trong những năm gần đây tăng trưởng hàng năm hai con số và chiếm tỷ trọng khoảng 5% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nhóm hàng nông sản của Trung Quốc đạt 304 tỷ USD, tăng 23,2%.

Mỗi năm, Trung Quốc tiêu thụ trái cây tươi khoảng 120 - 130 triệu tấn (trực tiếp) và tiêu thụ trái cây qua chế biến (nước trái cây, trái cây đóng hộp...) ước tính khoảng 30 - 35 triệu tấn và đều tăng sau mỗi năm.

Theo thống kê của Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Thực phẩm, động vật bản địa Trung Quốc, mỗi năm, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn trái cây tươi với tổng trị giá trên 10 tỷ USD.

Tổng lượng tiêu thụ rau củ của Trung Quốc bình quân khoảng hơn 500 triệu tấn trong những năm vừa qua và duy trì xu thế tăng so với các năm trước.

Trong đó, lượng tiêu thụ rau củ tươi ở mức khoảng 200 - 250 triệu tấn, chiếm tỉ trọng khoảng 40% - 45%. Tiêu thụ rau củ tươi bình quân đầu người hàng năm vào khoảng 161 kg/người/năm.

Một số ít địa phương có trồng sầu riêng: Quảng Đông,  Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam; tuy nhiên sản lượng không nhiều.

Sản lượng sầu riêng tiêu thụ tại Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2021 số lượng lên đến 821,5 ngàn tấn.

Giai đoạn 2010 - 2020, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc tăng trưởng bình quân 16%/năm; Trung Quốc đứng thứ 3 trên thế giới về tiêu thụ sầu riêng với 19% tổng sản lượng tiêu thụ sầu riêng mỗi năm - sau Indonesia (40%) và Malaysia (24%).

Yếu tố tác động đến 90% việc người tiêu dùng Trung Quốc có mua trái cây hay không, phụ thuộc vào độ tươi. Yếu tố về vị giác chiếm 83%, còn giá cả là 65%. Tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN-PTNT và được cấp mã vùng trồng/cơ sở đóng gói, đồng thời phải được Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt và công bố trên trang web của GACC. Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

7 địa phương thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, cho học sinh nghỉ trọn thứ Bảy

Phú Thọ, Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội, TP Hà Tĩnh, TP Nha Trang, TP Vinh thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, cho học sinh nghỉ trọn thứ Bảy, Chủ nhật.