| Hotline: 0983.970.780

Cơn sốt sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc, giá ngang ngửa Thái Lan, Malaysia

Thứ Bảy 24/09/2022 , 09:12 (GMT+7)

Sầu riêng Việt Nam được săn đón nhiều ở Trung Quốc, các doanh nghiệp nhập khẩu cho biết giá cả xấp xỉ với Thái Lan, Malaysia.

Anh 1

Một cửa hàng hoa quả bày bán sầu riêng ở Bắc Kinh. Ảnh: CNA.

'Vua trái cây' 

"Sầu riêng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với Thái Lan hay Malaysia. Đầu tiên là cự ly gần, thứ hai là chất lượng tốt. Tôi khẳng định rằng giá cả xấp xỉ với Thái Lan và Malaysia, con số cụ thể hiện chưa thể tiết lộ do các yếu tố thương mại", ông Lâm Long Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Tô Châu, Trung Quốc), cho biết hôm 21/4.

Ông Lâm bác bỏ thông tin cho rằng "giá sầu riêng Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với sầu riêng của Thái Lan hay Malaysia". 

Trả lời kênh CCTV13 của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đại diện Công ty Việt Hải cho biết: "Từ phía Việt Nam đưa sầu riêng sang cửa khẩu Hữu Nghị Quan của chúng ta chỉ mất 2 tiếng đồng hồ. Trái sầu riêng giữ được độ tươi ngon. Người tiêu dùng Trung Quốc từ nay sẽ được ăn sầu riêng ngon với giá cạnh tranh".

Trong khi đó, đại diện cơ quan kiểm dịch, trực thuộc Hải quan Trung Quốc, khẳng định lô sầu riêng Việt Nam đầu tiên xuất sang Trung Quốc hôm 19/9 "hoàn toàn đạt tiêu chuẩn 100%", về vùng trồng, đóng gói, bảo quản. 

Nhận định về sự kiện này, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, bình luận rằng sầu riêng là loại trái cây gây tranh cãi nhất thế giới. Những người không ưa thường mô tả chúng có mùi như hành tây thối hay trứng thối.

Tuy nhiên, sầu riêng, còn được gọi là “vua trái cây” với những người hâm mộ chúng, đang chiếm vị trí trung tâm trong chiến dịch ngoại giao quyến rũ mới nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á, khi Bắc Kinh cam kết sẽ nhập khẩu nhiều sầu riêng hơn từ các quốc gia láng giềng.

Theo giới chuyên gia, ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, đây dường như còn là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố mối quan hệ chiến lược với khu vực, giữa bối cảnh cạnh tranh với Mỹ ngày càng tăng.

Trái sầu riêng từng được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đặc biệt đề cập đến trong chuyến thăm thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hồi tháng 7.

“Hôm nay, tôi đã có một buổi ăn trưa kết hợp làm việc và người bạn tốt của tôi ở đây đã đãi tôi món bánh Mao Shan Wang ngon tuyệt, khiến tôi vô cùng ấn tượng”, ông Vương lúc bấy giờ nói với phóng viên tại cuộc họp báo chung cùng Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, đề cập đến món bánh được làm từ một loại sầu riêng phổ biến của nước chủ nhà.

Ngoại trưởng Vương cũng cho hay Trung Quốc “sẵn sàng nhập thêm dầu cọ, trái cây nhiệt đới cùng các loại nông sản khác” từ Malaysia.

Một ngày sau, tại thành phố Nam Ninh, miền nam Trung Quốc, ông Vương có buổi tiếp Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh. Hai lãnh đạo đã cùng thông báo về một thỏa thuận cho phép Việt Nam xuất khẩu sầu riêng tươi vào thị trường Trung Quốc trong tương lai gần sau 4 năm đàm phán.

Ngoại trưởng Vương cũng nói rằng Trung Quốc “rất coi trọng lợi ích của Việt Nam trong việc tăng cường xuất khẩu nông sản và thủy sản sang Trung Quốc”, trong khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi Bắc Kinh cho phép nhập khẩu nhiều hoa quả hơn từ Việt Nam.

Không đề cập đến thương vụ sầu riêng nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai bên đã nhất trí “tìm hiểu về việc thiết lập cơ chế thúc đẩy sản xuất và chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cường xây dựng các cảng để tạo thuận lợi cho thương mại song phương”.

Truyền thông Trung Quốc bình luận: "Từ đó đến nay, những nông dân trồng sầu riêng Việt Nam đã miệt mài chuẩn bị chờ đón thời điểm thị trường Trung Quốc mở cửa cho sản phẩm của mình. Hồi tháng 7, 123 cơ sở trồng sầu riêng và 57 nhà máy đóng gói đã tham gia khóa đào tạo 3 ngày do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức để học về các tiêu chuẩn thực phẩm Trung Quốc".

Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nước xuất khẩu sầu riêng tươi lớn thứ hai vào Trung Quốc, sau Thái Lan, nhờ đó ngành trồng sầu riêng sẽ có nhiều dư địa để phát triển hơn.

Mới đây nhất, hôm 19/9, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, khoảng 100 tấn sầu riêng Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Anh 3

 Bánh sầu riêng là một trong những món ăn bán chạy tại các nhà hàng cao cấp Trung Quốc. Ảnh: Nikkei.

Campuchia, Philippines chuẩn bị cạnh tranh

Trung Quốc cũng đang thảo luận với Campuchia và Philippines về việc nhập khẩu sầu riêng. Hồi đầu tháng 7, chương trình thử nghiệm nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Campuchia đã được khởi động với lô hàng 50 tấn đầu tiên.

Xu hướng bùng nổ này được thúc đẩy bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới, giúp Trung Quốc nhập khẩu trái cây tươi từ Đông Nam Á dễ dàng hơn. RCEP, có hiệu lực từ tháng 1/2022, hiện là khối thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 30% GDP toàn cầu. Trung Quốc nằm trong khuôn khổ thỏa thuận, cùng với 10 quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Thành phố Tây Song Bản Nạp thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, hiện được biết đến là nơi tập trung sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á. Nơi đây có một chợ đầu mối rau quả, tập trung đông đúc thương lái và khách du lịch, với nhiều loại sầu riêng được đưa về từ khắp nơi trong vùng.

Theo chủ một cửa hàng bán sầu riêng, khu chợ có thể bán một tấn sầu riêng mỗi ngày vào mùa cao điểm du lịch và mặc dù chi phí đã được giảm thiểu nhờ RCEP, giá sầu riêng vẫn tăng do nhu cầu tăng.

Năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc đã tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 821.600 tấn, và giá trị nhập khẩu tăng 82,4%, lên 4,205 tỷ USD. Nhập khẩu sầu riêng tăng gần gấp 4 lần so với năm 2017 và đà tăng được cho là sẽ còn nhanh hơn nữa trong năm nay.

“Vị béo ngậy” và giá trị dinh dưỡng cao sầu riêng dường như hấp dẫn thị hiếu của người Trung Quốc. Mặc dù có giá cao, lên đến 7 USD một miếng, sầu riêng vẫn được xếp chồng trong các siêu thị. Nhiều món ăn độc đáo cũng được sáng tạo từ sầu riêng, như bánh crepe sữa sầu riêng, pizza sầu riêng hay thậm chí là lẩu sầu riêng. Tất cả đều nhận được hàng loạt bình luận tích cực từ người hâm mộ trên mạng xã hội.

Trước nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc, các nước sản xuất khẩu sầu riêng cũng gấp rút mở rộng quy mô. Thái Lan sản xuất khoảng 1,29 triệu tấn vào năm 2021, tăng khoảng 30% so với năm 2019.

“Nhập khẩu của Trung Quốc đã cao, nhưng tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc dự kiến còn tăng hơn nữa. Nông dân Thái Lan có rất nhiều động lực để mở rộng sản xuất”, một quan chức tại Đại sứ quán Thái Lan giải thích.

Người dân Trung Quốc đang ráo riết săn lùng một sản phẩm cao cấp của Malaysia là sầu riêng “Musang King”, còn được mệnh danh là “Hermes của sầu riêng” tại nước này. Mặc dù sản lượng được dự báo giảm trong năm nay do mưa lớn, chính phủ Malaysia vẫn kêu gọi đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh các đồn điền sầu riêng tiếp tục được mở rộng nhờ vào đầu tư quy mô lớn từ các doanh nghiệp.

Đối với các nước Đông Nam Á, việc Trung Quốc tham gia RCEP một luồng gió mạnh mẽ thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh loại bỏ thuế quan, hiệp định có quy định về cơ bản giúp việc thông quan hàng hóa dễ hư hỏng được hoàn thành chỉ trong vòng chưa đầy 6 tiếng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể chi phí và mang lại lợi thế lớn cho sầu riêng, vì độ tươi của quả là yếu tố rất quan trọng.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất