| Hotline: 0983.970.780

Sẽ phân quyền về cấp huyện ban hành chuyển đổi cơ cấu trên đất trồng lúa

Thứ Sáu 24/05/2024 , 10:04 (GMT+7)

Tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa với nhiều ý kiến đóng góp từ địa phương.

Giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, cho biết, dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa (gọi tắt là Nghị định) được xây dựng trong một thời gian rất ngắn. Ngày 5/3/2024, Bộ NN-PTNT được Chính phủ giao xây dựng Nghị định. Sau hơn 2 tháng khẩn trương xây dựng, đến nay, Bộ NN-PTNT đã hoàn thành dự thảo Nghị định.

Mục đính của Nghị định là nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Luật Trồng trọt năm 2018, từ đó khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất trồng lúa.

Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên các quan điểm chủ đạo là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ  trong việc xây dựng quy định chi tiết về đất trồng lúa được giao tại Điều 182 Luật Đất đai năm 2024 và pháp luật khác có liên quan.

Bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, sử dụng có hiệu quả đất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 phải giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa. Trong đó, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết.

Dự thảo Nghị định kế thừa các quy định hiện hành còn giá trị, bảo đảm tính ổn định của chính sách pháp luật; giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành các cơ chế chính sách hỗ trợ người trồng lúa. Đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền theo chỉ đạo của Chính phủ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện.

Nghị định quy định chi tiết đất trồng lúa nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Luật Trồng trọt năm 2018. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nghị định quy định chi tiết đất trồng lúa nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Luật Trồng trọt năm 2018. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại Hội nghị, nhiều nội dung quan trọng đã được đại diện các địa phương quan tâm, đóng góp những nhiều ý kiến đáng chú ý.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm và đồng thuận rất cao từ các địa phương là phân cấp, phân quyền cho UBND cấp huyện trong việc ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn huyện. Đây là một trong những nội dung hoàn toàn mới so với các quy định trước đây.

Đại diện Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho rằng phân cấp cho cấp huyện là rất hợp lý vì khi triển khai các chương trình, nội dung liên quan đến Luật Trồng trọt, các huyện đều nắm chắc vấn đề và thắc mắc là tại sao không phân cấp cho cấp huyện nhiều hơn.

Quy định bóc tách và sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp, cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến. Nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc nếu tổ chức, cá nhân không thể hoặc không có nhu cầu sử dụng tầng đất mặt được bóc tách đó, thì cần có quy định về chuyển nhượng, vận chuyển... chỗ đất đó để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Nhiều địa phương cũng băn khoăn về quy định sử dụng kinh phí hỗ trợ nhằm bảo vệ và phát triển đất trồng lúa. Theo dự thảo Nghị định, nguồn kinh phí này được sử dụng hỗ trợ tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới, sử dụng giống cây trồng mới; mô hình trình diễn giống mới, tiến bộ kỹ thuật khoa học mới...

Sẽ phân cấp, phân quyền cho UBND cấp huyện trong việc ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn huyện. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sẽ phân cấp, phân quyền cho UBND cấp huyện trong việc ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn huyện. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Về quy định này, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ đề nghị cần hướng dẫn cụ thể thế nào là giống mới, tiến bộ kỹ thuật khoa học mới... Còn theo đại diện của Sở NN-PTNT Hải Phòng, cần có quy định cụ thể về tỷ lệ kinh phí dành để hỗ trợ giống mới, tiến bộ kỹ thuật khoa học mới... Vì nếu không quy định rõ tỷ lệ, rất có thể các huyện sẽ dành toàn bộ nguồn kinh phí này cho việc dễ làm nhất là đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Ông Nguyễn Vạn Kha, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Trà Vinh, cho biết, phần lớn diện tích đất lúa được nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chuyển sang cây lâu năm như dừa, mít, sầu riêng... Những cây trồng này đều có chu kỳ kinh doanh rất dài, khi cần chuyển trở lại về đất lúa là rất khó. Trong khi  đó, trên giấy tờ, đây vẫn là đất lúa. Do đó, cần có quy định tỷ lệ đất trồng lúa được chuyển sang trồng cây lâu năm, giống như quy định với đất trồng lúa chuyển sang nuôi thủy sản.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đánh giá, dù được soạn thảo trong thời gian ngắn, nhưng dự thảo Nghị định đã cơ bản nhận được sự đồng tình từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Có những nội dung nhận được sự đồng thuận rất cao như phân cấp cho cấp huyện

Quy định bóc tách và sử dụng tầng đất mặt, tuy còn gây nhiều tranh cãi, nhưng Thứ trưởng nhấn mạnh, sử dụng tầng đất mặt (sau khi bóc tách) cho sản xuất nông nghiệp là điều phải làm. Vấn đề là phải quy định như thế nào để các tổ chức, cá nhân liên quan có thể thực hiện được.

Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo Nghị định tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung, làm rõ ràng, rành mạch hơn nhiều quy định như giống mới, tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ mới, sử dụng kinh phí hỗ trợ..., để khi thực hiện, các địa phương có thể giải thích được với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và kiểm toán. Các quy định về thủ tục, giấy tờ trong Nghị định cũng phải làm sao để có tính khả thi cao nhất.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...