| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả

Thứ Tư 22/05/2024 , 08:17 (GMT+7)

Thay vì trồng lúa, tỉnh Hà Tĩnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản, cho hiệu quả gấp hàng chục lần.

Theo thống kê, mỗi năm tỉnh Hà Tĩnh sản xuất trên 103.000ha lúa/2 vụ; tổng sản lượng đạt hơn 578.000 tấn. Con số này không lớn so với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, song đây là nguồn lương thực đảm bảo sinh kế cho hơn 1,4 triệu người.

Đã có những giai đoạn cây lúa tụt dốc cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Nguyên nhân do hiệu quả kinh tế nghề trồng lúa đem lại quá thấp, thu không đủ bù chi dẫn đến nông dân thiếu mặn mà, thậm chí nhiều vùng người dân bỏ hoang đất ruộng.

Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả ở TP Hà Tĩnh được chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả cao. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả ở TP Hà Tĩnh được chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả cao. Ảnh: Thanh Nga.

Trước thực trạng trên, Hà Tĩnh đã lồng ghép các chương trình hỗ trợ của trung ương kết hợp ban hành chính sách kích cầu của tỉnh để triển khai “cuộc cách mạng” tập trung, tích tụ đất đai, phá bỏ ô thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn. Kể từ đó, những cánh đồng “một giống, một thời vụ, một quy trình canh tác” xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo.

“Tính đến nay, các địa phương đã tích tụ, tập trung ruộng đất được hơn 10.600ha, tập trung nhiều ở các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, Đức Thọ… Hậu tích tụ, đã hình thành nhiều cách đồng lớn, thuận lợi trong việc cơ giới hóa, điều tiết thủy lợi, điều tra phát hiện và phòng trừ sâu bệnh”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Theo ông Việt, song hành với tập trung, tích tụ đất đai, Hà Tĩnh cũng mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả. Theo đó năm 2024, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi hơn 130ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích đất lúa 2 vụ chuyển đổi gần 66ha, đất lúa 1 vụ chuyển đổi gần 66ha.

Các địa phương có diện tích chuyển đổi lớn là TP Hà Tĩnh (hơn 32ha), các huyện Lộc Hà (36ha), Đức Thọ (20ha), Nghi Xuân (hơn 14ha), Hương Khê (11ha)…

Tại TP Hà Tĩnh, phương án chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả đã được thực hiện từ 2 – 3 năm nay. Việc chuyển đổi là rất cần thiết bởi địa phương có lợi thế nguồn nước các sông như sông Phủ, sông Cày, sông Đông, Rào Cái chạy ven đô nên có thể kết hợp trồng lúa và nuôi thủy sản theo hướng hữu cơ, đây là giải pháp tối ưu giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Thực tế, đã có nhiều mô hình tại TP Hà Tĩnh sau khi chuyển đổi lợi nhuận tăng gấp hàng chục lần so với chuyên canh mỗi cây lúa. Đơn cử như mô hình cá - tôm - lúa ở xã Thạch Hạ; lúa - rươi, lúa - rạm ở phường Đại Nài; tôm - lúa ở xã Đồng Môn… đem lại doanh thu cả trăm triệu đồng/ha/vụ.

Vùng núi Hà Tĩnh lựa chọn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm như ngô, đậu và cây lâu năm như cam, bưởi. Ảnh: Thanh Nga.

Vùng núi Hà Tĩnh lựa chọn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm như ngô, đậu và cây lâu năm như cam, bưởi. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2021, ông Nguyễn Văn Hiển (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) mạnh dạn thuê lại hơn 1,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả ở khu vực Đồng Tùng để xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi. Sau khi có đất, ông thuê máy móc về cải tạo đất, tạo chất mùn cho đất bởi con rươi sống trong môi trường rất sạch nên việc trồng lúa phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất lúa hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả sản xuất trong 3 năm cho thấy, rươi phát triển tốt, mỗi vụ thu hoạch cho thu nhập gần 20 triệu đồng. Còn lúa năng suất bình quân đạt 2,5 – 2,6 tạ/sào/vụ, bán với giá 9.000 - 10.000đ/kg, tính ra mỗi ha lúa thu về trên 45 triệu đồng.

Tại huyện miền núi Hương Khê, do khu vực này chủ yếu có hồ đập nhỏ, đã xuống cấp, hư hỏng nên vào cuối vụ hè thu thường có không ít diện tích lúa gặp hạn, hiệu quả thu hoạch đạt thấp. Do đó, Hương Khê dự kiến sẽ chuyển đổi 5ha đất lúa 1 vụ sang trồng cây hàng năm như ngô, đậu; chuyển 6ha sang trồng cây lâu năm như cam, bưởi…

“Lâu nay người dân các xã Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên đã tự chuyển đổi một số diện tích sang trồng bưởi, trồng sâm bố chính... cho hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, việc chuyển đất 1 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm sẽ là hướng đi chúng tôi chú trọng trong thời gian tới”, lãnh đạo huyện Hương Khê thông tin.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).