| Hotline: 0983.970.780

Vùng quê chuyển mình nhờ chuyển đổi đất lúa

Thứ Năm 04/04/2024 , 10:38 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Đất trồng lúa kém hiệu quả được người dân xã Hàm Ninh chuyển sang trồng dưa hấu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Vùng ruộng lúa chuyển đổi sang trồng dưa hấu tại xã Hàm Ninh. Ảnh: T. Đức.

Vùng ruộng lúa chuyển đổi sang trồng dưa hấu tại xã Hàm Ninh. Ảnh: T. Đức.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) cho hay, thời gian qua, theo chủ trương của ngành nông nghiệp huyện, Phòng đã chỉ đạo các địa phương chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao. “Thành công nhất là chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Hàm Ninh sang trồng dưa hấu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, huyện đã đưa ra kế hoạch chuyển đổi khoảng 60ha đất trồng lúa ở vùng khó khăn về nguồn nước sang trồng dưa vụ xuân hè và hè thu”, ông Thủy cho biết.

Chuyển lúa kém hiệu quả trồng dưa, lãi trăm triệu đồng/ha

Trên tuyến đường giao thông liên xã từ QL1A sang xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh), khi gần đến trụ sở UBND xã sẽ bắt gặp cánh đồng rộng lớn cả trăm ha. Trước đây, cánh đồng này chỉ làm được một vụ lúa đông xuân. Riêng vụ hè thu thì cơ bản bà con bỏ hoang, chỉ vài hộ dân mạnh dạn trồng lúa và trông chờ vào ông trời cho mưa xuống. Năm nào mưa ít, cây lúa cứ chết nghẹn trên đồng.

Cách đây hơn chục năm, một số nông dân nơi đây đã đưa cây dưa hấu vào sản xuất trên đất trồng lúa. Do đất ở đây có tầng đất dày, chất đất phù hợp nên dưa hấu trồng ở Hàm Ninh đạt năng suất cao, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa thích.

Ông Nguyễn Toàn, một nông dân đầu tiên cày ruộng lúa để trồng dưa kể lại, khi đó bà con đi qua nhìn rồi cứ kháo nhau “Ai đời ruộng lúa vầy mà cày luống lên trồng dưa bao giờ. Rồi cũng hái lá dưa mà bán thôi”. Nghe cũng nao nao trong bụng.

Trước đó, ông Toàn và nhóm nông dân “chơi trội” này đã đạp xe cả vài chục cây số lên vùng Nông trường Việt Trung là thủ phủ trồng dưa để học kinh nghiệm. Nào là bón phân, gieo hạt, bấm ngọn, tỉa lá, tưới nước, cách nhận biết một số sâu bệnh thường gặp… cứ như hồi còn con nít học vỡ lòng vậy.

“Vừa làm vừa rút kinh nghiệm mà nên. Vụ đầu tiên không lãi, không lỗ, nhưng có dưa hấu ăn mát ruột là mừng rồi. Năm sau mới thấy tiền tươi và lãi trên ruộng dưa cứ tăng dần lên và kinh nghiệm canh tác cũng đầy thêm”, ông Toàn nói.

Ông Toàn cho biết, những diện tích đất lúa được chuyển sang trồng dưa hấu thường là vùng vàn cao, nước tưới thất thường, không chủ động được hoặc vùng ruộng nếu có cố lấy nước vào được thì năng suất lúa cũng không cao. “Bà con cũng tăng diện tích chuyển đổi theo khả năng canh tác và theo kế hoạch chung của xã chứ không thể đổ xô làm ồ ạt được đâu”, ông Toàn nói thêm.

Nông dân sử dụng phân chuồng ủ hoai để bón cho ruộng dưa. Ảnh: T. Đức.

Nông dân sử dụng phân chuồng ủ hoai để bón cho ruộng dưa. Ảnh: T. Đức.

Những năm sau đó, trên thực tiễn đất lúa chuyển đổi của xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh đã triển khai chuyển đổi một số diện tích lúa thường bị khô hạn, kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao. Quá trình thực hiện cho thấy, phần lớn các cây trồng sau khi chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nếu trồng dưa hấu lúc thuận lợi thời tiết, năng suất cao và giá tốt thì có thể cho bà con thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha, lãi từ 100 - 150 triệu đồng/ha.

Trên cánh đồng của xã Hàm Ninh, xen với những thửa ruộng chín vàng là những ruộng dưa thu hoạch sớm. Thông thường bà con trồng dưa vụ xuân hè (gieo hạt sau Tết Nguyên đán). Nhưng cũng có những hộ làm vụ  lúa đông xuân sớm, tới khoảng 20/4 thu hoạch xong vụ lúa sẽ cày ải, lên luống để nối vụ dưa hè thu.

Những ngày này, trên cánh đồng ngoài ở xã Hàm Ninh, ông Hoàng Sỹ đang lên luống, chuẩn bị trồng dưa hấu vụ xuân hè. Ruộng dưa đã lên luống mấy hôm trước, được bón lót bằng phân chuồng ủ hoai và phủ nilon trên luống. Ông Sỹ cho biết, nhà có 3 mẫu (1,5ha) ruộng chuyển đổi sang trồng dưa vụ xuân hè với giống dưa Hắc Mỹ Nhân và Mũi Tên Đỏ. Nói về vụ dưa những năm trước, ông cho hay: “Năng suất dưa cũng có tăng giảm từng vụ tùy theo thời tiết, nếu mưa nhiều cũng giảm. Những vụ được mùa có thể lên đến 220 - 250 tấn/ha”.

Dưa hấu Hàm Ninh được bà con nông dân chọn các giống có chất lượng cao đưa vào trồng như giống Hắc Mỹ Nhân, Hoàn Châu, Phù Đổng, Việt Thái, Mũi Tên Đỏ… Theo ông Sỹ, bà con sử dụng nhiều giống vì phải luân canh. “Tức là vụ này trồng giống này thì sang vụ sau phải đổi sang giống dưa khác để tránh bị quen đất, hạn chế được sâu bệnh”, ông Sỹ nói thêm.

Dưa hấu Hàm Ninh được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: T. Đức.

Dưa hấu Hàm Ninh được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: T. Đức.

Dưa hấu tại đây được trồng bằng kỹ thuật phủ bạt theo luống nên hạn chế được sâu bệnh, cỏ dại, giữ độ ẩm tốt cho đất. Người trồng sử dụng phân hữu cơ, bổ sung thêm phân NPK để bón cho dưa hấu.

Ông Lê Hữu Hức tham gia chuỗi giá trị sản xuất dưa hấu của địa phương với diện tích hơn một mẫu. Dù chưa phải là người trồng dưa hấu lâu năm, nhưng qua vài vụ sản xuất, ông Hức nhận thấy dưa hấu là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Hàm Ninh. Vừa vận chuyển dưa lên ven đường cho vợ bán lẻ phục vụ khách qua lại, ông Hức bảo: “Dưa Hàm Ninh ngon, ngọt nên ai cũng thích. Qua mấy vụ chỉ thấy trồng dưa lãi lớn. Chưa có năm nào bà con bị hòa vốn đâu. Chỉ có lãi nhiều hay ít thôi”.

Vụ xuân hè năm nay, bà con xã Hàm Ninh chuyển đổi hơn 10ha ruộng lúa sang trồng dưa hấu. Vụ hè thu bà con tiếp tục chuyển đổi hơn 15ha. Bà con đã có nhiều kinh nghiệm nên làm đủ diện tích chứ không mở rộng ồ ạt. Nếu nghe dự báo thời tiết và qua kinh nghiệm biết thời gian tới nắng nhiều thì bà con mở rộng diện tích trồng dưa. Trường hợp dự báo mưa nhiều thì diện tích vừa đủ. Vì mưa sẽ làm cho dưa nhiều sâu bệnh, năng suất giảm.

Xây dựng thương hiệu “dưa Hàm Ninh”

Theo nhiều nông dân trồng dưa, sản phẩm dưa Hàm Ninh có mặt trên thị trường từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Trọng lượng quả khi thu hoạch đạt từ 2 đến 4kg.

Ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh cho biết: Thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, địa phương đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa (HTX Hàm Hòa). HTX được giao nhiệm vụ chủ trì liên kết, tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

“Chúng tôi đã xây dựng thương hiệu “dưa hấu Hàm Ninh” là nông sản sạch, sản xuất đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các giống dưa hấu trồng trên ruộng Hàm Ninh được người tiêu dùng đánh giá có vị ngọt thanh hơn vùng khác”, ông Hưng chia sẻ.

Bà con chăm sóc dưa vụ xuân hè năm nay. Ảnh: T. Đức.

Bà con chăm sóc dưa vụ xuân hè năm nay. Ảnh: T. Đức.

Theo ông Nguyễn Hải Bằng, Giám đốc HTX Hàm Hòa, sản lượng dưa hàng năm của HTX đạt khoảng 2.500 tấn. Dưa hấu Hàm Ninh được tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh và có mặt tại các siêu thị ở Quảng Bình, Hà Nội, Đà Nẵng cùng nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

Thế mạnh của dưa hấu Hàm Ninh là khi bổ quả có độ giòn, ruột dưa có màu đỏ tươi, thịt chắc, vị ngọt thơm vượt trội so với các loại dưa hấu trồng ở những vùng khác. Chính vì vậy, một số người bán lẻ tại các chợ lớn thường nói với khách hàng là “dưa Hàm Ninh” để lấy giá cao hơn và dễ bán hơn. “Vì vậy, chúng tôi quy định sản phẩm khi mang ra thị trường đều phải có tem truy xuất nguồn gốc nhằm chống hàng giả, hàng kém chất lượng”, ông Bằng cho biết.

Ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh cho biết, xã đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm dưa hấu Hàm Ninh tại Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương. Cũng theo ông Hưng, các năm tiếp theo, Hàm Ninh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng và bảo vệ thương hiệu “dưa hấu Hàm Ninh” nhằm tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Theo nhiều nông dân trồng dưa ở Hàm Ninh, những vụ gần đây, hiện tượng sâu bệnh cũng khá nhiều nên bà con chưa mạnh dạn mở rộng diện tích. Về vấn đề này, ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh cho biết đã vận động bà con sản xuất theo hướng hữu cơ, thay đổi nhiều vùng ruộng và cơ cấu lại bộ giống. "Chúng tôi đã tham vấn Phòng NN-PTNT huyện để có giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ bà con có những vụ dưa bội thu, giảm thiểu ảnh hưởng do sâu bệnh”, ông Hưng nói.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất