| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 09/09/2024 , 06:08 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:08 - 09/09/2024

Sinh kế sau bão Yagi cho hộ nông dân sản xuất nhỏ

Sinh kế sau bão Yagi thực sự trở thành bài toán hóc búa đối với các hộ nông dân sản xuất nhỏ, nếu không có những chính sách hỗ trợ căn cơ và đồng bộ.

Sinh kế sau bão Yagi đối với đồng bào khu vực nông thôn miền Bắc là câu chuyện được quan tâm đặc biệt của mọi người Việt Nam, khi mỗi địa phương bắt đầu thu dọn những vung vãi đổ nát do thiên tai gây ra. Một siêu bão đổ bộ nhiều tỉnh thành miền Bắc để lại hậu quả nặng nề cho mùa màng, cho ruộng vườn, cho hoa màu. Ở đô thị, công việc làm ăn có ảnh hưởng ít nhiều nhưng vẫn có thể khắc phục nhanh chóng. Còn ở nông thôn, bão qua bao giờ cũng kéo theo ngập lụt, mọi thành quả đang canh tác đều thiệt hại phần lớn. Sự thật, nhiều hộ nông dân rơi vào hoàn cảnh trắng tay.

Người Việt vốn có truyền thống tương thân tương ái. Khi bão Yagi vừa chấm dứt, những đợt quyên góp cứu trợ đã được phát động, và chắc chắn nay mai những đoàn công tác từ thiện sẽ đến với đồng bào vừa gánh chịu tai ương nơi vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, sinh kế sau bão Yagi không thể chỉ trông chờ vào những tấm lòng nhường cơm sẻ áo. Nông dân luôn có tự trọng, họ không muốn ngồi yên trong sự hoang tàn để chờ đợi sự ban phát, dẫu chân thành và ấm áp dường nào. Cái quan trọng nhất mà nông dân mong mỏi là điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất.

Bài toán sinh kế sau bão Yagi là mỗi hộ nông dân có thể đứng dậy trên chính đất đai của họ, tiếp tục được gieo cấy, tiếp tục được trồng trọt, tiếp tục được chăn nuôi. Sự giúp đỡ “một miếng khi đói bằng một gói khi no” chỉ có tác dụng trước mắt, còn lâu dài thì làm sao để nông dân có lại “cần câu” chứ không phải được cho “con cá”.   

Khi chính quyền cơ sở đã có thống kê tương đối đầy đủ về hậu quả bão Yagi, thì nên cấp tốc triển khai giải pháp hỗ trợ những hộ nông dân sản xuất nhỏ, vì đó là những đối tượng không có nhiều vốn liếng và cũng ít mối quan hệ.

Thiên tai được xác định là trường hợp bất khả kháng, thì ngân hàng chủ động khoanh nợ đối với khoản vay cũ để cho nông dân cơ hội tiếp cận khoản vay mới. Trong đó, ưu tiên nguồn lực tài chính trung hạn cho những người nuôi trồng thủy hải sản ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa... Đồng thời, các hiệp hội hoặc hợp tác xã phải đứng ra làm trung gian thương lượng để giải quyết những hợp đồng cung cấp nông sản mà nông dân đã ký kết với doanh nghiệp.

Mặt khác, hiện tại không còn xa dịp tết là thời điểm tiêu thụ nông sản nhộn nhịp nhất trong năm, các cơ quan chuyên môn cần có hướng dẫn phù hợp về chọn giống, về kỹ thuật để nông dân đồng bằng sông Hồng lẫn nông dân đồi núi Tây Bắc có những thu hoạch kịp đáp ứng được thị trường.

Áp lực tâm lý đang đè nặng lên những người nông dân miền Bắc sau bão Yagi, dẫu bản thân mỗi người luôn xác định “chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Ngoài tinh thần và hành động chung tay dắt dìu nhau qua hoạn nạn của đồng bào cả nước, thì tình thương và trách nhiệm cụ thể dành cho nông dân miền Bắc là một chính sách căn cơ và đồng bộ, có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan.