| Hotline: 0983.970.780

Sitto Việt Nam khuyến cáo bệnh nguy hiểm trên sầu riêng mùa mưa

Thứ Sáu 31/05/2024 , 11:15 (GMT+7)

ĐBSCL Vào mùa mưa, ẩm độ tăng, các bào tử nấm, hạch nấm, sợi nấm của các loài Phytopthora, Fusarium, Rhizoctonia, Pytium và nấm gây bệnh thán thư làm lây lan trên sầu riêng.

Bắt đầu chuyển sang mùa mưa, mùa mà dịch bệnh bùng phát mạnh và nhiều nhất trên cây trồng. Với các điều kiện thuận lợi của nhiệt độ, độ ẩm đã tạo môi trường tốt cho các loại rong tảo, vi khuẩn, nấm gây bệnh phát sinh gây hại. Trong điều kiện mưa đầu mùa xen kẽ những đợt nắng nóng gay gắt điều này làm thay đổi ẩm độ trong đất, làm môi trường sống của các sinh vật gây hại trong đất thuận lợi hơn.

Sự thay đổi từ đất khô hạn chuyển sang mưa ẩm ướt, lượng nước tăng nên rễ cây trồng hấp thụ nước, dinh dưỡng cao làm cây trồng dễ bị sốc tạo điều kiện cho hiện tượng cháy lá non, rụng hoa, trái non xảy ra, dễ gây vết thương vùng rễ tạo cơ hội cho các vi sinh vật gây hại. Sự thay đổi do những cơn mưa đầu mùa làm ảnh hưởng môi trường đất, độ pH trong đất, ảnh hưởng hệ vi sinh vật có hại phát triển.

Khi ẩm độ tăng, các bào tử nấm, hạch nấm, sợi nấm của các loài Phytopthora, Fusarium, Rhizoctonia, Pytium và nấm gây bệnh thán thư trong đất và trong không khí phát triển và lây lan mạnh. Trên cây trồng nói chung và cây sầu riêng nói riêng luôn phải đối mặt với rất nhiều đối tượng gây hại, trong đó thì bệnh nứt thân xì mủ, thối rễ, thối trái, cháy lá, đốm rong, nấm hồng.

Sitto Việt Nam khuyến cáo một số bệnh nguy hiểm trên sầu riêng trong mùa mưa nhằm giúp nông dân bảo vệ và hạn chế tối đa thiệt hại cho cây và kinh tế cho gia đình, nhà vườn cần nắm bắt rõ để xử lý hiệu quả, sau đây là một số bệnh nguy hiểm thường gặp bà con cần quan tâm.

Bệnh thối trái

Thối trái (nấm trái) là căn bệnh gây hại mạnh và thường gặp trên cây sầu riêng ở giai đoạn trái sầu riêng đã lớn, sắp cho thu hoạch. Đặc biệt vào giai đoạn giao mùa, nguy cơ thối trái tăng mạnh. Ở các vườn rậm rạp, thiếu thông thoáng các bào tử nấm có cơ hội phát tán nhanh và mạnh. 

Thối trái do Phytophthora. Ảnh: MQ.

Thối trái do Phytophthora. Ảnh: MQ.

Dấu hiệu bệnh thường xuất hiện ở phần đít trái và xung quanh đầu trái. Vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ màu nâu xám, sau đó lan rộng ra thành hình tròn hoặc hơi bầu dục và có màu xám đen. Bệnh phát triển thành từng lõm lan rộng bên ngoài vỏ và ăn sâu vào thịt trái, khiến thịt trái bị nhũn thối có mùi hôi chua, khó chịu. Vào những ngày thời tiết lạnh, ẩm độ cao những sợi nấm bệnh màu trắng sẽ bao phủ vết bệnh như mạng nhện. Bệnh phát triển nặng làm thối cả trái và lây lan sang trái khác nhanh.

Bệnh thối trái do nấm Phytophthora sp. gây ra luôn tồn tại hiện hữu trong đất. Khi độ ẩm trong vườn cao, nấm có cơ hội phát triển mạnh và lây lan nhanh lên trái, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng.

Bệnh nứt thân xì mủ

Nứt thân xì mủ là bệnh do nấm Phytophthora sp. Nếu cây có sẵn các vết thương hở do sâu, mọt đục, hay bị nứt do thiếu canxi, các vết thương từ rễ do cơ học, tuyến trùng càng tạo cơ hội cho nấm xâm nhập.  Loại nấm này phá hủy hệ thống rễ và phần gốc của cây, làm xuất hiện các vết úng nước. Với những vườn có nền đất xấu, thiếu hữu cơ, pH thấp… càng dễ nhiễm bệnh.

Bệnh xì mủ gốc thân cành. Ảnh: MQ.

Bệnh xì mủ gốc thân cành. Ảnh: MQ.

Triệu chứng thối ở gốc hoặc cành, vỏ thân hoặc cành có vết ố nước nhìn thấy rõ khi cây khô. Vào buổi sáng, khi không khí ẩm, có thể thấy những giọt mủ màu nâu đỏ phình ra từ các vết nứt trên thân hoặc cành, mủ này sẽ dần dần biến mất và nó khô đi trong những ngày nắng. Điều này khiến vết nước xuất hiện trên vỏ thân cây, khi vỏ thân cây mở ra sẽ lộ ra vùng có vết mủ mỏng.

Dùng dao hoặc đục vết bệnh bà con sẽ thấy mô vỏ cây bị hư hỏng có màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm. Đối với triệu chứng thối xảy ra ở rễ nhỏ hoặc rễ lớn, mô rễ sẽ phân hủy và khi bị kéo nhẹ sẽ dễ bị rụng. Khi nhiễm bệnh, vết bệnh trên vỏ cây chảy nhựa, thối nâu và lan vào trong thân gỗ. Lâu ngày, vết bệnh sẽ dần chuyển sang màu nâu đỏ, thân cây nứt ra chảy nhựa vàng, bệnh còn gây ảnh hưởng đến mạch dẫn của cây làm toàn bộ lá cây chuyển màu vàng úa rồi rụng dần. Cây nhiễm bệnh nặng dần sẽ ngừng phát triển vì không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng, trái rụng, sau một thời gian cây sẽ chết.

Bệnh vàng lá thối rễ

Vàng lá thối rễ được xem là căn bệnh nan y trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là sầu riêng. Vào mùa mưa là thời điểm bệnh phát triển nhanh nhất trên sầu riêng. Bệnh vàng lá thối rễ nếu không được chữa trị đúng cách sẽ khiến cây càng suy yếu và chết.

Bệnh thối rễ. Ảnh: MQ.

Bệnh thối rễ. Ảnh: MQ.

Bệnh thường là do sự kết hợp các chủng nấm Phytophthora, Fusarium, Pythium sp. gây ra. Khi bệnh mới xuất hiện, lá vẫn bình thường nhưng gân lá có màu vàng nhạt, phiến lá ngả màu vàng cam dẫn đến rụng lá, cây sinh trưởng kém, giảm năng suất mùa vụ và chất lượng trái. Khi cây bị bệnh nặng, toàn bộ lá biến vàng, rụng lá, rụng trái.

Bệnh nặng có thể làm chết cả cây, nhánh cây bị bệnh hướng nào thì rễ cũng thường bị thối ở hướng đó. Bộ rễ bị thối lan dần từ rễ nhỏ vào trong rễ lớn. Rễ tơ và rễ cái đều bị hoại tử, rễ bị thối có màu nâu, vỏ rễ tuột ra khỏi phần gỗ bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái. Rễ mất khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng nuôi cây từ đó làm cành bị chết khô.

Bệnh vàng lá. Ảnh: MQ.

Bệnh vàng lá. Ảnh: MQ.

Khi bị nặng, tất cả rễ đều bị thối đen và chết cây. Khác biệt giữa các biểu hiện vàng lá do nấm và do thiếu thiếu dinh dưỡng: Lá vàng do thiếu nhiều nguyên tố như Nitơ, Sắt (Fe), Magie (Mg) có đặc điểm như thịt lá màu vàng, gân lá màu xanh, lá không bị rủ, cây không bị hư hỏng, không bị thối rễ, thối gốc.  Bệnh nếu không được xử lý kịp thời, đúng cách và triệt để thì cây sẽ không thể phát triển, khó mang trái, sức cây không bền, năng suất và chất lượng nông sản giảm.

Bệnh thán thư

Là bệnh do các loại nấm như Colletotrichum gloeosporioides và Cephaleures virescens gây ra. Bệnh lây nhiễm bởi các bào tử nấm, chúng sẽ truyền bằng cách bay theo gió, rơi xuống đất rồi qua nước tưới tiêu trong vườn và truyền bệnh sang cây khác. Bệnh thán thư phát sinh trong môi trường có độ ẩm cao, sương mù nhiều hoặc các đợt mưa kéo dài.

Bệnh thán thư. Ảnh: MQ.

Bệnh thán thư. Ảnh: MQ.

Bệnh phát triển và lây lan nhanh ở các vườn trồng với mật độ dày, thiếu ánh sáng, ít được chăm sóc và sức đề kháng của cây kém. Bệnh gây hại phổ biến trên lá, lúc đầu tại đuôi lá hoặc mép lá lan dần vào phía trong tạo những đốm bệnh lõm có viền nâu sẫm dạng vòng đồng tâm. Ngoài ra bệnh còn gây khô bông và làm rụng trái non. Đây là các chủng nấm gây hại phổ biến và nghiêm trọng trên nhiều loại cây trồng.

Bệnh nấm hồng

Do nấm Corticium salmonicolor và Erythricium salmonicolor tấn công, có thể xâm nhập qua rễ cây và lan truyền qua đường dẫn nước và dinh dưỡng, cuối cùng xâm nhập vào thân và cành. Triệu chứng gây ra trên những lá đã trưởng thành, có thể gây hại cả thân và cành cây non. Đối với cành non thường sẽ khô héo và chết cành. Chúng hút chất dinh dưỡng và làm giảm khả năng quang hợp khiến cây trồng sinh trưởng kém.

Bệnh nấm hồng. Ảnh: MQ.

Bệnh nấm hồng. Ảnh: MQ.

Khi mới bị bệnh, vỏ cây sẽ xuất hiện một lớp tơ màu trắng đục, sau chuyển thanh màu nâu đỏ/màu cam hồng và lan ra xung quanh vỏ cây. Đây là thời điểm nấm tạo ra các bộ phận sinh sản (bào tử) để lây lan sang cây khác. Nấm bệnh ăn sâu và phá hủy lớp vỏ làm chết vỏ cây, làm cho nước và dinh dưỡng không vận chuyển được lên phía trên để nuôi cành.

Bệnh nặng làm toàn bộ lá phía trên cành bị bệnh úa vàng và rụng, trái bị rụng non, cuối cùng cành sẽ bị chết khô. Nấm bệnh phát tán chủ yếu qua đường nước mưa, nước tưới tiêu trong vườn, bay theo gió hoặc côn trùng. Nấm hồng thường tấn công cây trồng vào giai đoạn trước và sau khi thu hoạch, khi cây đang ở giai đoạn yếu nhất. 

Bệnh đốm rong

Do tảo Cephaleuros virescens tấn công, chúng ký sinh trên nhiều loại cây khác nhau vì vậy bệnh rất dễ phát triển mạnh khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi, nhất là giai đoạn trước và sau thu hoạch cũng là thời cơ cho loại bệnh này tấn công.

Bệnh gây hại trên hầu hết các bộ phận của cây từ thân, cành đến lá. Vết bệnh sẽ xuất hiện trên bề mặt lá với những đốm trơn màu nâu đỏ, hơi nhô lên, chúng còn gây hại trên lá và cành, chúng hút chất dinh dưỡng và làm giảm khả năng quang hợp khiến cây trồng sinh trưởng kém làm cho cây sinh trưởng chậm, lá rụng sớm.

Mỗi bộ phận bị gây hại sẽ có biểu hiện đặc trưng khác nhau. Khi bệnh nặng, các đốm rong sẽ xuất hiện dày đặc chi chít hơn, làm lá bị thô cứng, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây, khiến cây còi cọc và sinh trưởng kém. 

Bệnh đốm rong. Ảnh: MQ.

Bệnh đốm rong. Ảnh: MQ.

Trên đây là một số bệnh nguy hiểm thường gặp trên cây sầu riêng trong mùa mưa. Khuyến cáo đến bà con thường xuyên thăm kiểm tra vườn để phát hiện và xử lý sớm để giảm thiểu tối đa chi phí chữa bệnh và thiệt hại kinh tế.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Lào

Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane vừa đến thăm Công ty CP Phân bón Bình Điền - một trong những đơn vị sản xuất phân bón tiêu biểu của Vinachem.

Ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành thông tư Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?