Sóc Trăng là một trong 10 tỉnh vùng ĐBSCL tham gia dự án Dự án Chống chịu khí hậu và Chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT - WB11). Đến nay địa phương đã hoàn thiện đề xuất dự án và sẽ trình Chính phủ trước ngày 15/8.
Dự kiến tổng nguồn vốn huy động để triển khai các hoạt động tăng cường khả năng ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu khoảng 863 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 594 tỷ đồng, còn lại 239,2 tỷ đồng từ vốn đối ứng của địa phương.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, việc đề xuất Dự án MERIT đúng với tinh thần Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đề xuất này, Sóc Trăng sẽ phát triển hệ thống thủy lợi cho các tiểu vùng. Cụ thể là xây dựng hệ thống đê bao, bờ bao, bảo vệ khu vực dân cư, sản xuất, trước tác động của sụt lún đất, nước biển dâng và nguy cơ ngập diện rộng.
Từ nay đến đến năm 2030, địa phương tập trung các giải pháp nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê cấp I, bao gồm đê biển và đê dọc theo các sông chính để bảo vệ những khu vực trọng yếu của vùng. Hệ thống đê cấp II bảo vệ các công trình thủy lợi. Đê cấp III bảo vệ các ô bao nội đồng quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, dự án cũng hướng đến tăng cường khả năng kiểm soát ngập úng vùng trũng ở các huyện Châu Thành, Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm, bằng hình thức xây dựng ô bao và trạm bơm. Điều này giúp ổn định sản xuất nông nghiệp, thủy sản với diện tích tự nhiên là gần 81.300ha.
Đối với huyện Cù Lao Dung, sẽ được nâng cấp, bồi trúc hoàn thiện 45km đê bao chống tràn, sạt lở, ngập úng. Nhất là ngăn chặn xâm nhập mặn và nước biển dâng đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân, với diện tích tự nhiên được đề xuất gần 10.000ha.
Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân nông thôn, Sóc Trăng đã vạch ra lộ trình bài bản.
Ở tiểu vùng 1 được xác định là vùng trũng gồm các huyện Châu Thành, Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm sẽ triển khai các mô hình canh tác lúa ứng dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và công nghệ sinh thái. Hướng tới thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm phù hợp mùa vụ và đáp ứng theo yêu cầu thị trường và doanh nghiệp.
Đồng thời, chuyển đổi hệ thống canh tác “chuyên canh lúa” sang “2 vụ lúa kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt” như cá đồng hoặc tôm càng xanh toàn đực.
Đối với tiểu vùng 2 là huyện Cù Lao Dung, các mô hình sinh kế chủ đạo là nuôi thủy sản nước lợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tuần hoàn. Hay nuôi thủy sản trong bể lót bạt; nuôi gia súc ứng dụng công nghệ sinh học, dưới tán vườn dừa dứa, nhãn tiêu,... kết hợp du lịch sinh thái, thông qua các hoạt động trải nghiệm.
Riêng đối với khu vực bờ biển, Sóc Trăng sẽ củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, kết hợp với thủy lợi, kè phòng chống xói lở. Trong đó, tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn bờ sông, bờ biển bị sạt lở, xói lở nghiêm trọng.
Nếu được đầu tư hoàn chỉnh, vùng Cù Lao Dung kết nối với hệ thống đê bao đã được đầu tư từ Dự án WB9 giúp địa phương tạo một hành lang đê điều, bảo vệ dân sinh trước tác động của biến đổi khí hậu.