Vụ hè thu 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng xuống giống hơn 140.400ha. Đến thời điểm này, địa phương đã thu hoạch trên 36.200ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành, Kế Sách, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng.
Năng suất bình quân vụ lúa hè thu 2024 ước đạt 55,3 tạ/ha, sản lượng 200.639 tấn. Các giống lúa chủ lực là OM5451, OM18, OM34, Đài Thơm 8, nhóm ST.
Những ngày qua, thời tiết mưa liên tục, ẩm độ không khí cao khiến dịch hại trên lúa phát sinh và gây hại. Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích lúa nhiễm dịch hại trên 12.500ha. Chủ yếu là đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá, thối thân…
Tại huyện Long Phú, nông dân xuống giống vụ hè thu 2024 trễ khoảng 2 tuần so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện, do mùa khô 2023 - 2024 địa phương chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, mùa mưa đến muộn và không nhiều. Vì thế, bà con nông dân chờ đợi đủ nước ngọt, đảm bảo rửa phèn mặn trước khi xuống giống, nên ảnh hưởng đến tiến độ.
Ảnh hưởng của phèn, mặn, cũng khiến trên 500ha lúa hè thu trên địa bàn huyện phải dặm, sạ lại. Hiện nay, lúa chủ yếu trong giai đoạn đòng, trổ.
Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 8-10/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, dông, lốc làm ngập úng, lúa đổ ngã, nhất là trong giai đoạn lúa trổ.
Với thời tiết mưa bão thường xuyên trở thành bất lợi lớn cho nông dân Sóc Trăng trong việc ứng dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ (AWD), ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.
Để chủ động bảo vệ và chăm sóc lúa hè thu 2024, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo bà con nông dân áp dụng triệt để chương trình 1 phải 5 giảm; 3 giảm 3 tăng, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, tăng cường rút nước giữa vụ, hạn chế lúa đổ ngã trong giai đoạn trổ chín.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, các chế phẩm, phân bón giúp tăng khả năng chống chịu cho cây lúa.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng phân công cán bộ kỹ thuật, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông viên bám sát địa bàn. Mặt khác, thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự báo kịp thời tình hình thời tiết, dịch hại phát sinh để chủ động quản lý, phòng trừ, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.