| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 21/02/2011 , 08:30 (GMT+7)

08:30 - 21/02/2011

Sợi dây và chú cún

Kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước trong đợt điều chỉnh tỷ giá lần này, là xóa bỏ tình trạng “hai giá” tồn tại giữa ngân hàng và thị trường tự do đối với đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, sự mừng vui không kéo dài được lâu, bởi thực tế mấy ngày gần đây, sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá của cơ quan này, USD ngoài thị trường tự do vẫn trên đà leo thang, mặc cho giá niêm yết tại các ngân hàng chỉ ở mức trần quy định, thậm chí còn giảm.

Tỷ giá liên ngân hàng công bố ngày 18/2 giảm tiếp 5 đồng xuống còn 20.693 đồng/USD. Mức giảm này đánh dấu lần thứ ba liên tiếp, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh. Trước đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh 10 đồng/USD vào ngày 15/2 và 5 đồng/USD vào ngày 16/2.

Tuy nhiên, giá USD giao dịch thực tế của các nhà băng vẫn tiếp tục tăng. Trong mấy ngày gần đây, giá giao dịch USD thực tế giữa các ngân hàng khác nhau với mức chênh lệch khá lớn. Còn tại “ngân hàng Hà Trung” (Hà Nội), cách nói bóng bẩy của giới buôn bạc xanh “chợ đen”, các điểm thu đổi ngoại tệ báo giá bán USD ở mức 22.500 đồng/USD và chiều mua là 22.300 đồng/USD.

Một số DN nhập khẩu hiện đang rất lo lắng nếu như giá USD trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng. Các DN trong ngành nông nghiệp thì đứng ngồi không yên, có đơn vị còn tạm dừng sản xuất vì nguyên liệu NK tăng quá cao, trong khi thành phẩm thì chưa thể tăng giá.

Đương nhiên, với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh tỷ giá là tính đến một quá trình mang tính cơ bản và lâu dài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, với diễn biến thực tế trái ngược thì việc tăng tỷ giá lần này chả khác gì câu chuyện cô gái dắt cún đi dạo.

Cô gái dắt chú cún đi dạo, khoảng cách giữa hai chủ thể là sợi dây. Bản năng của chú cún trước những yếu tố tác động ngoại cảnh có thể gây ra những rắc rối, buộc phải kiểm soát bằng sợi dây đó. Sợi dây ngắn sẽ kiểm soát tốt hơn là một sợi dây dài.

Trong cơ chế điều hành hiện nay, tỷ giá chính thức của các ngân hàng thương mại vận động theo mức bình quân liên ngân hàng với biên độ 1%. Biên độ đó là sợi dây trong câu chuyện trên. Vậy nên quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là đưa tỷ giá bình quân liên ngân hàng đến một điểm phù hợp, đồng thời thu hẹp biên độ để tăng khả năng kiểm soát. Tuy vậy, điều mà Ngân hàng Nhà nước không thể lường hết, đó là vật liệu làm nên sợi dây. Về mặt lý thuyết, sợi dây ràng buộc chú cún là không thể co dãn. Nhưng với diễn biến thực tế thì nhiều chuyên gia ví von rằng, sợi dây kia, thay vì chế tác bằng kim loại, thì ở Việt Nam, được làm từ… cao su. Nó có thể co dãn thoải mái đến độ, cô gái, chủ thể, không thể điều khiển chú cún theo ý của mình.

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều chỉnh lần này đúng thị trường nhưng về dài hạn phải bám sát chặt hai mục tiêu: Kéo lạm phát xuống và tăng được năng lực sản xuất, giảm nhập siêu.

Ông Kiêm cho rằng, các chính sách tiền tệ như tỷ giá, lãi suất thật ra có liên hệ với nhau chặt chẽ. Do vậy, cần phải tập trung chống lạm phát trước. Kinh nghiệm từ ngay năm 2010 cho thấy, khi điều chỉnh tỷ giá, ngân hàng làm trước, các bộ, ngành khác không có chính sách đi kèm, thống nhất đã tạo sự hỗn loạn về tỷ giá, giá vàng.

Và, lần này chắc cũng không ngoại lệ!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm