Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp trên thế giới và các nước trong khu vực, Bộ NN-PTNT nhận định nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhiễm và lây lan tại nước ta trong thời gian tới rất cao. Do đó, Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y 4 nhiệm vụ cần làm ngay, nhằm ứng phó kịp thời với dịch bệnh.
Một trong số đó, là việc sớm ban hành tiêu chuẩn cơ sở chẩn đoán, xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ trên động vật. Đây được xem là công tác then chốt, giúp hệ thống thú y lên được các kịch bản phòng ngừa và chủ động giám sát dịch bệnh.
Cùng với đó, Cục Thú y được giao tổ chức tập huấn công tác giám sát, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ; đồng thời chuẩn bị sẵn sáng, bố trí nguyên vật liệu, trang thiết bị cần thiết và tổ chức xét nghiệm mẫu nghi nhiễm bệnh. Trong dài hạn, Cục phải xây dựng kế hoạch và tổ chức việc giám sát một số loài động vật mẫn cảm với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam.
Tại địa phương, cơ quan chuyên môn thú y chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các cơ quan liên quan để tổ chức điều tra ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh trong phòng thí nghiệm và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, hơn 68.000 người tại 106 quốc gia và vùng lãnh thổ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 28 ca tử vong tại 13 quốc gia.
Các ca bệnh trên người cũng đã được phát hiện tại Đông Nam châu Á, bao gồm: Đài Loan (3 ca), Indonesia (1 ca), Philippines (4 ca) và Thái Lan (8 ca). WHO đánh giá, đợt bùng phát năm 2022 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và được quốc tế đặc biệt quan tâm.
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus thuộc giống Orthopoxvirus, họ Poxviridae gây ra. Virus này có biến chủng Tây Phi và biến chủng lưu vực Congo. Các ca bệnh trong năm 2022 đều là biến chủng ở Tây Phi. Bệnh có thể lây truyền giữa người với các loài linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ, sóc và chó nhà.
Dù có thể lây nhiễm trên nhiều loài động vật có vú, hầu hết ca bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên người, còn trên động vật rất ít. Đường lây lan chủ yếu là do tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Cá biệt năm 2003, một đợt bùng phát xảy ra ở Hoa Kỳ do những loài gặm nhấm nhiễm bệnh được nhập khẩu từ Châu Phi về làm vật nuôi, đã lây virus sang chó nuôi trên đồng cỏ, rồi lan đến 40 người ở 6 tiểu bang miền Trung Tây. Hồi tháng 8/2022, Pháp ghi nhận 1 trường hợp người mắc bệnh Đậu mùa khỉ lây virus sang chó nuôi.
Dự báo bệnh đậu mùa khỉ còn diễn biến khó lường, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở, ngành và chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống nếu dịch bệnh đậu mùa khỉ xảy ra trên động vật.
Căn cứ Luật Thú y và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1/8/2022, Bộ NN-PTNT cho rằng cần chủ động phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ virus đậu mùa khỉ lây từ động vật sang người.
Một số nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT khuyến cáo gồm, tổ chức tuyên truyền tới người dân và cộng đồng về tình hình và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong đó, địa phương phải nhấn mạnh đặc điểm truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây truyền giữa người và các loài linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ và chó nhà.
Nếu phát hiện triệu chứng mắc bệnh ở động vật, người dân có trách nhiệm thông báo với cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương. Ngoài ra, nếu mắc bệnh, người dân không vuốt ve, âu yếm, ôm, hôn, ngủ chung, ăn chung… với thú cưng.
Với các địa phương có cửa khẩu, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố cần giám sát chặt chẽ các trường hợp động vật nhập cảnh nghi nhiễm bệnh, đặc biệt động vật xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh đậu mùa khỉ.