Trong bối cảnh dịch bệnh từ động vật lây sang người tăng theo cấp số nhân, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, chương trình đối tác Một sức khỏe phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
70% dịch bệnh trên người có nguồn gốc từ động vật
Theo Cục Thú y, sự gia tăng dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người theo cấp số nhân hàng năm đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống con người cũng như hoạt động chăn nuôi. Ngoài ra, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người, trên phạm vi toàn cầu có nguồn gốc từ động vật như: dịch SARS, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ, Covid-19. Do vậy, nếu không có những giải pháp đồng bộ trong cách tiếp cận “Một sức khỏe” giúp tăng cường hợp tác đa ngành ở các cấp độ khác nhau nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, gia súc, gia cầm, động vật hoang dã và môi trường, thì nguy cơ và hậu quả là rất lớn đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật và con người.
Ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú Y nhận định, để thực hiện các hoạt động một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh động vật lây sang người, chính quyền địa phương và người dân phải nhận thức rõ được được vai trò và lợi ích của chương trình. Qua đó, căn cứ theo quy định của pháp luật và chương trình kế hoạch quốc gia, từng địa phương cần xây dựng kế hoạch cho từng địa bàn, cũng như kiện toàn, tăng cường hệ thống thú y các cấp.
Ngoài sự lan tỏa và tham gia tích cực của các địa phương, các hoạt động một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh động vật lây sang người cũng cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường năng lực dự phòng, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh, hướng tới giảm thiểu các tác động do bệnh truyền lây có nguồn gốc từ động vật gây ra, từ đó đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì một thế giới an toàn hơn trước các mối đe dọa dịch bệnh truyền nhiễm.